Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch
(LVH) - Sáng nay, 19/4/2012, trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch đã được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chủ trì Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, du lịch, khách sạn, vận chuyển... trong cả nước.
Tại Hội nghị, đồng chí Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã giới thiệu chung về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch khai thác hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các nội dung nêu bật những tiềm năng du lịch, hiện trạng khai thác du lịch, kế hoạch khai thác du lịch trong giai đoạn 2013 - 2015 và đặc biệt, nhấn mạnh đến các cơ hội hợp tác đầu tư tại đây.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ảnh: ĐK
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn đã nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của đại diện hơn 100 doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã đến với “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em để cùng trao đổi, góp phần xây dựng sản phẩm văn hóa rất đặc biệt của cộng đồng 54 dân tộc anh em và khẳng định đây là minh chứng sống động góp phần thể hiện sự gắn kết hữu cơ, khăng khít giữa văn hóa, du lịch trong cùng một ngôi nhà một ngôi làng, một quốc gia vì sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: trước xu hướng thế giới ngày càng phẳng, ranh giới giữa các quốc gia, lãnh thổ dường như ngày càng mong manh hơn, các quốc gia, các tộc người đều muốn thể hiện bản sắc riêng có của mình thì văn hóa, du lịch ngày càng xích gần nhau hơn, có trong nhau và là của nhau. Do đó, các tài sản văn hóa sẽ mãi ngủ yên nếu không có sự đánh thức của du lịch và du lịch sẽ trở nên thiếu tâm hồn nếu không có chất men, chất liệu của văn hóa.
Đặc biệt, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu du lịch Việt Nam cơ bản trở thành nền kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại… và theo đó, du lịch sẽ phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát triển theo chiều sâu...
Trên cơ sở đó, hiện nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang được Nhà nước tập trung đầu tư cùng các doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện theo mô hình một công viên chuyên đề, một tổ hợp văn hóa thể thao và du lịch quy mô lớn, là trọng tâm trọng điểm góp phần phát triển du lịch Việt Nam.
Từ năm 2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc đã được khai trương đưa vào hoạt động, tuy nhiên còn nhiều dự án về dịch vụ du lịch, giải trí đang chờ được đầu tư để tạo được sự đồng bộ, đa dạng về dịch vụ, nâng cao chất lượng, góp phần định hình sản phẩm du lịch đặc trưng và cần sự kết hợp khăng khít hài hòa của du lịch.
Tại Hội nghị, rất nhiều ý kiến phát biểu tham góp của đại diện là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, xúc tiến đầu tư quan tâm tới các vấn đề liên quan đến hợp tác đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định đây là điểm du lịch hấp dẫn, là “mảnh đất vàng tiềm năng” và là cơ hội lớn của ngành du lịch Việt Nam trong vấn đề khai thác, phát triển du lịch.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Sòn - Saigontourist Trần Hùng Việt cho rằng: với rất nhiều thuận lợi về giao thông, hạ tầng, cảnh quan, đây thực sự là điểm du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, để thu hút du khách, có một số vấn đề như: phải tạo dựng được môi trường cảnh quan phụ trợ phù hợp, “có hồn”. Bên cạnh đó, việc xây khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp nên cân nhắc vì hiện nay xu hướng của du khách thích du lịch trải nghiệm, du lịch thân thiện với môi trường, sinh thái nguyên sơ…
Nhiều ý kiến khác của các nhà đầu tư cho rằng: nên vừa khai thác vừa đầu tư, nghiên cứu, xây dựng và có thể chia dự án ra thành nhiều dự án nhỏ thành phần để thu hút đầu tư. Hiện nay, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, do vậy, ngoài kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ trong nước thì cần có kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp đối với nhà đầu tư…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn trân trọng cảm ơn các ý kiến quan tâm, chia sẻ, đóng góp, kiến nghị của các nhà đầu tư đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, khẳng định các ý kiến đóng góp đều rất xác đáng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp thu để hoàn thiện các nội dung, kế hoạch, làm sao để phát huy hiệu quả Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và vì lợi ích chung cùng có lợi của các bên tham gia. Đồng chí Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, sự cộng tác, gắn bó hữu cơ, cộng sinh giữa văn hóa và du lịch sao cho ngày càng khăng khít, ngày càng bền chặt và hoạt động có hiệu quả.
Minh Huyền