Hội thảo tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống Văn hóa Gia đình Việt Nam

(LVH) - Sáng 19/4/2013, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Hội thảo tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống Văn hóa Gia đình Việt Nam, thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và chào mừng Năm Gia đình Việt Nam 2013.

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Nông Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL; đại diện một số Ban, Bộ, Ngành Trung ương, địa phương; một số chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc và đặc biệt có sự tham gia của 80 thanh niên đại diện cho 45 dân tộc thiểu số về dự các hoạt động chào mừng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và Năm Gia đình Việt Nam 2013.

Quang cảnh hội thảo

Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) đề cập ba nội dung chính: Gia đình và giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, vai trò gia đình Việt Nam xưa và nay và trách nhiệm của thanh niên các dân tộc với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) báo cáo đề dẫn hội thảo

Các tham luận của một số đại biểu thanh niên các dân tộc tham gia hội thảo cũng như một số nhà nghiên cứu, quản lý đã nêu bật được thực trạng và các giải pháp đối với việc kế thừa, phát huy giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, đa số các ý kiến nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các gia đình sống văn minh, văn hóa, tích cực tổ chức các đợt tập huấn về văn hóa gia đình cho Đoàn Thanh niên, tổ chức các hội thi… và đã có nhiều vấn đề liên quan tới văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa gia đình hiện nay nói riêng được nêu ra, trao đổi và thảo luận.

Nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TS. Đặng Cảnh Khanh đặt vấn đề và nhấn mạnh: đối với tất cả các dân tộc, gia đình đều rất quan trọng, không riêng gì người Việt Nam, giáo dục một con người thì quan trọng trước hết trong gia đình vẫn là chính vậy thì phát huy vai trò của giáo dục gia đình hiện nay như thế nào?...

Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu: Văn hóa dân gian, tín ngưỡng truyền thống, hủ tục lạc hậu là những vấn đề đang đặt ra với các gia đình dân tộc thiểu số. Làm thế nào để phát huy vai trò của tuổi trẻ các dân tộc để gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp và bài trừ những hủ tục lạc hậu…

Đại biểu Pờ Pó Mé, dân tộc Si La ở Lai Châu bày tỏ băn khoăn làm thế nào để thay đổi thực trạng đàn ông dân tộc Si La thường hay rượu chè, không chịu khó lao động, không chịu đi làm nương, rẫy và phụ nữ Si La luôn là người lao động chính trong gia đình.

Đại biểu Đặng Thị Kim Nguyên, dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận đề nghị cần có giải pháp để hạn chế việc trong đám tang thường tổ chức kéo dài, phải mổ trâu rất tốn kém, thậm chí trở thành gánh nặng của nhiều gia đình còn khó khăn.

Đại biểu Lương Thị Mai Huyền, dân tộcThái ở Nghệ An nêu lên những trăn trở trước việc thấy đồng bào Ơ đu, một dân tộc ít người cũng ở huyện Tương Dương, gần nơi đồng bào Thái của đại biểu sinh sống hiện không có tiếng nói, chữ viết riêng và gần như không còn giữ được phong tục tập quán của người Ơ đu. Đại biểu Huyền bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo cần có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào Ơ đu để làm sao đồng bào khôi phục được tiếng nói, chữ viết và tìm lại, lưu giữ lại được các giá trị văn hóa của dân tộc Ơ đu.

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, việc lạm dụng rượu bia dẫn đến bạo lực gia đình khiến phụ nữ, trẻ em phải chịu hậu quả, đại biểu Đỗ Thị Hương, dân tộc Phù Lá ở Sín Mần, Hà Giang bày tỏ, đại biểu cũng như nhiều người mong muốn có những giải pháp cụ thể hỗ trợ đồng bào làm sao để đồng bào có thể hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là về Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chứ nếu đơn thuần chỉ tuyên truyền như một số nơi hiện nay là chưa hiệu quả.

Đại biểu Lò Thị Phương, dân tộc La Ha ở Sơn La kiến nghị cần có chính sách để dân tộc La Ha cũng như nhiều dân tộc khác lưu giữ được ngôn ngữ riêng của dân tộc mình bởi đại biểu này cũng trăn trở vì bản thân là người La Ha nhưng không biết tiếng mẹ đẻ La Ha…

Về các câu hỏi của các đại biểu trẻ, GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã có những giải đáp khá rõ. Một số trường hợp, GS. Tô Ngọc Thanh cũng chia sẻ thêm quan điểm, như với trường hợp dân tộc Ơ đu hiện chỉ còn chưa tới 1.000 người mà một dân tộc dưới 5.000 người thì khó giữ được văn hóa truyền thống vì các dân tộc này bắt buộc phải giao lưu, kết hôn với các dân tộc khác. Bên cạnh đó, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ơ đu đã mai một nhiều và không ai còn nhớ nữa thì việc khôi phục, duy trì là rất khó...

GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu

Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL) cho rằng: đồng bào các dân tộc phải là những người đầu tiên chịu trách nhiệm bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình và đó là cách bảo tồn tốt nhất, còn Nhà nước và các cấp, các ngành chỉ hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ về chính sách…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: “trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và giá trị truyền thống các dân tộc nói riêng là từ hai phía. Phía từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên môn và một phía là từ chính cộng đồng dân tộc”.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng đề nghị: các đại biểu thanh niên dân tộc tiếp tục suy nghĩ, trao đổi, thảo luận với gia đình mình, cộng đồng dân tộc ở địa phương mình, tích cực hoạt động hơn nữa đóng góp thiết thực vào bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam.

Đồng chí Hồ Anh Tuấn,Thứ trưởng Bộ VHTTDL kiêm Trưởng Ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo

Tại Hội thảo, Thanh niên các dân tộc đã hiến tặng các hiện vật, đồ dùng của dân tộc cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Dưới đây là một số hình ảnh
:

Quang cảnh Hội thảo

Đại biểu Lương Thị Mai Huyền, dân tộc Thái ở Nghệ An phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhận hiện vật (chiếc gùi) của đồng bào Cor tặng cho "Làng"

Đồng bào H'mông tặng chiếc khèn

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hoàng Huyền