Hội thảo Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số
(LVH) - Ngày 22/11/2013, tại Nhà công vụ, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã tới dự và chủ trì Hội thảo.
 |
Quang cảnh Hội thảo
|
Với 120 đại biểu tham gia Hội thảo là các đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương và các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa, đại diện cộng đồng dân tộc thiểu số… do Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức, Hội thảo là một trong các nội dung nhằm triển khai các chủ trương, chính sách về văn hóa, đặc biệt cụ thể hóa Quyết định 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.
 |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn khẳng định: “Trang phục là yếu tố văn hóa chuyển tải sắc thái tộc người, sắc thái địa phương và chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa, nhân văn sâu sắc. Trang phục cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác chịu sự tác động của các điều kiện khách quan, chủ quan... Việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên, môi trường lịch sử - xã hội nhân văn, nhận thức thẩm mỹ của cá nhân, cộng đồng các dân tộc… Đặc biệt là sự tác động của các chủ trương, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung, trang phục truyền thống nói riêng”.
 |
Đồng chí Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTT&DL) báo cáo đề dẫn Hội thảo
|
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTT&DL) khẳng định: “Trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân ít… Có thể nói, chưa lúc nào hơn lúc này việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng lại đứng trước những thách thức to lớn đến như vậy... Chính vì vậy, để việc giữ gìn, phát triển bản sắc trong trang phục của dân tộc trở thành ý thức văn hóa chung, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành…
Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm: vấn đề bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc đang đứng trước những thách thức lớn trong tình hình hiện nay. Những vấn đề như: Người giỏi nghề lại không được công nhận chính thức là nghệ nhân ảnh hưởng lớn đến việc truyền dạy các thế hệ sau... Trên thực tế, trang phục của người dân tộc chưa có nhiều cơ hội để giới thiệu, quảng bá rộng rãi… cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu nêu.
 |
PGS.TS Đoàn Thị Tình tại buổi Hội thảo
|
Lý giải về thực tế hiện nay trang phục nhiều dân tộc được may hầu hết bằng loại vải rẻ tiền của Trung Quốc, PGS.TS Đoàn Thị Tình nhấn mạnh: để may được một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình thì bà con dân bản phải mất rất nhiều thời gian, hơn nữa kinh phí lớn nên mọi người thường chọn cách mua sẵn vải để may... Trước đây bà con vẫn tự sản xuất những chất liệu như thổ cẩm hay vải lanh, tuy nhiên không có đầu ra với giá cả hợp lý nên càng về sau mọi người bỏ không làm nữa...
 |
Nhà thiết kế áo dài truyền thống Lan Hương (bên trái) và GS. Hoàng Nam (bên phải tại buổi Hội thảo
|
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở các thôn bản, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mà còn thấy cả ở ngay tại thành phố như thủ đô Hà Nội, như nhà thiết kế áo dài Lan Hương chia sẻ ví dụ ở làng lụa Vạn Phúc: “Với làng nghề lụa Vạn Phúc, ngày nay khó mà tìm được lụa do chính người dân nơi đây làm ra, mà chủ yếu là hàng hóa lấy từ Trung Quốc về bán”. Đồng tình với điều này, chị Vàng Thị Mai, người dân tộc Hmông đến từ Hà Giang so sánh: “Người dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống mong bán được giá để đảm bảo cuộc sống nhưng sự thật không như thế, cũng giống như nuôi một đứa con mà mãi không lớn nên tự người dân bỏ dần nghề”. Chị Mai cũng chia sẻ mong muốn chợ Đồng Xuân ở Hà Nội có một không gian dành cho đồng bào các dân tộc giới thiệu, quảng bá trang phục của dân tộc mình đến mọi người.
Nhiều đại biểu cũng chia sẻ, không chỉ người lớn tuổi, ngay cả các em học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ngày nay rất ngại mặc trang phục của dân tộc mình vì khi mặc mọi người xung quanh nhìn với con mắt hiếu kỳ nên cảm thấy ngượng, thấy ngại… Về điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Vi Hồng Nhân và nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ như vậy nguyên nhân là do người đồng bào chưa có một môi trường văn hóa phù hợp để họ trưng diện những bộ trang phục của dân tộc mình, tức là văn hóa, trang phục, tiếng nói của đồng bào phải có không gian phù hợp của nó. Bên cạnh đó, cần tạo ra nhận thức và chuyển biến trong nhận thức của một bộ phận những người làm trong hệ thống cơ quan Nhà nước và một bộ phận người dân về vấn đề trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số...
GS Hoàng Nam cho rằng: “Văn hóa là biến đổi, biến đổi là văn hóa”. Vì vậy, ông đề xuất: “xu hướng biến đổi là tìm cách hiện đại hóa văn hóa, dân tộc hóa văn hóa ngoại lai” và để bảo tồn di sản văn hóa trang phục truyền thống cần những trái tim biết yêu thương, biết xót xa những giá trị của lịch sử để lại, cộng với một tư duy sáng tạo để gìn giữ và phát triển…
Hầu hết các bộ trang phục của các dân tộc đều rất công phu, nhiều họa tiết, cầu kỳ từ việc may vá đến khi mặc. Đây cũng là một trong các nhiều lý do mọi người “ngại mặc” trang phục của dân tộc mình. Góp ý kiến về nội dung này, PGS.TS. Đoàn Thị Tình mạnh dạn đề xuất phương án: “Cải biên trang phục dân tộc để phù hợp hơn”, đặc biệt là với đối tượng dân công sở đi làm. Tuy nhiên việc “cải biên” phải vừa tạo tính gọn nhẹ, dễ dàng, thuận tiện cho người mặc nhưng vẫn phải giữ được nét đặc trưng của dân tộc đó.
Đại biểu Lo Xuân Tình, dân tộc Ơ đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chia sẻ về cái áo ông đang mặc “phải là thầy cúng mới được mặc còn con cháu hoặc những người không phải là thầy thì mặc áo bằng vải bông”. Ông cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào có dịp phát huy tay nghề của mình tại địa phương…
Song song với các vấn đề được nêu, các đại biểu cũng đã đưa ra rất nhiều đề xuất, cụ thể như: nâng cao nhận thức của mỗi người về ý nghĩa, giá trị bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình; tiến hành điều tra cơ bản về thực trạng và nhu cầu mặc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số để có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về vấn đề này; sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cơ quan Nhà nước, Ban, Ngành; khuyến khích người dân khôi phục việc phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm cũng như đồ mỹ nghệ trang sức; mở các lớp truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số bởi nó chính là sản phẩm văn hóa các dân tộc… Đồng chí bày tỏ mong muốn trong thời gian tới vấn đề bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số sẽ được các cấp, các ngành và bà con đặc biệt quan tâm hơn nữa để việc gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống đạt hiệu quả cao.
H.Huyền