Tái hiện Lễ hội cúng biển Mỹ Long
(LVH) - Theo đó, lễ hội đã được tái hiện vào sáng nay 21/11/2015, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đây là một trong những lễ hội quan trọng của người dân vùng biển Mỹ Long (Trà Vinh) thể hiện lòng thành của ngư dân tạ ơn biển cả, tạ ơn cá voi (cá Ông) đã cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cho ngư dân một cuộc sống ấm no.
Vào mùng 10-12 tháng 5 âm lịch hàng năm, người dân Mỹ Long (Trà Vinh) lại tổ chức lễ hội cúng biển, với các nghi lễ truyền thống: Giỗ Tiền chức, Nghinh Nam Hải, Tế Thần Nông, Chánh Tế Chúa Xứ, hát bóng rỗi, nghinh Ngũ Phương và tống tàu.
Tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hội cúng biển Mỹ Long vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức cúng lễ, trong đó, tái hiện cụ thể 3 nghi thức quan trọng: lễ nghinh thần Nam Hải, hát bóng rỗi và tống tàu.

Thầy pháp sư làm lễ khấn nguyện
Trong quan niệm của ngư dân biển Mỹ Long, cá voi được ngư dân gọi là Cá Ông hay thần Nam Hải, theo đó lễ nghinh thần Nam Hải, còn gọi là lễ nghinh Ông Nam Hải. Đoàn nghinh Ông Nam Hải gồm có: hai vị bồi bái, hai pháp sư, một hương vị quan, ba vị chức việc hóa trang các vị Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, đội lân, đội nhạc, ngư dân và du khách. Trước khi nghinh Ông, đoàn vào miếu cử trống nhạc làm lễ xin lệnh Bà. Lễ xong thì khởi hành, dẫn đầu là đoàn lân, nhạc, tiếp đến là xe chở bàn nghinh, các hương chức, pháp sư, ba vị Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, rồi đến ngư dân, du khách. Bàn nghinh là một khánh thờ hình dạng như một cái miếu nhỏ có ghi: Cung thỉnh Nam Hải Ngọc Long Thần. Đoàn nghinh Ông sẽ đi ra cửa Cung Hầu (cách thị trấn Mỹ Long khoảng 5km), trên đường đi, vị hương quan sẽ đọc bài “tán” cúng biển. Tới cửa Cung Hầu, vị pháp sư sẽ làm lễ khấn nguyện rồi xin keo bằng hai đồng tiền, khi đủ âm, đủ dương xem như Ông đã chấp thuận, đoàn sẽ quay về, kết thúc lễ nghinh thần Nam Hải.
 |
Nghi thức múa dâng mâm trong hát bóng rỗi
|
Tiếp đó, hát bóng rỗi với chức năng thực hành nghi lễ, vừa là lễ thức vừa là một hình thức diễn xướng tổng hợp dân gian độc đáo mang tính giải trí của ngư dân. Một chương trình hát bóng rỗi, thường phải có các nghi thức: lễ khai tràng, múa dâng bông và múa dâng mâm.
 |
Nghi thức cúng tống tàu
|
Lễ tống tàu là một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội cúng biển. Chiếc tàu được người dân thiết kế, chuẩn bị từ trước ngày cúng lễ. Trên tàu có bàn lễ vật cúng tế, gồm: 1 con lợn trắng với 1 chậu huyết và một chậu lòng, 1 mâm bánh bò, 1 bát huyết cùng một ít lòng lợn, trà, hoa, rượu. Trong khoảng thời gian làm lễ, bà con ngư dân sẽ đến gửi lễ vật cúng như muối, gạo, trái cây vào tàu, đồng thời mọi người kính cẩn đặt hai tay vuốt lên thân tàu rồi đặt vào mặt, cầu mong những điều tốt lành.
 |
Lễ vật ngư dân gửi cúng trên tàu
|
Sau nghi lễ, tàu được đoàn rước đưa tới vàm Lầu, lúc này, tàu được hạ thủy rồi được thuyền đánh cá kéo ra cửa biển. Đoàn người sẽ lên các thuyền tham gia lễ tống tàu kính cẩn nhìn theo chiếc tàu trôi ra biển Đông với những gửi gắm của người dân vào một mùa đánh bắt mới bội thu, thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn.
 |
Đoàn rước tống tàu


Tàu được hạ thủy...

...với những gửi gắm của người dân vào một mùa đánh bắt mới bội thu, thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn
|
H. Huyền - Đ.Loan