Có một “Giấc mơ Chapi” tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Chương trình “Giấc mơ Chapi” diễn ra vào ngày 25/6, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên không phải “trên ngọn núi cao, nơi có đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, nơi ai nghèo cũng có cây đàn Chapi” mà tại Thủ đô, trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc “Giấc mơ Chapi” được hiện hữu với chủ nhân của Chapi là đồng bào dân tộc Raglai đến từ tỉnh Ninh Thuận.

Có lẽ nhiều người đã nghe, yêu và mê đắm những giai điệu, ca từ nồng nàn từ “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến, đã rung cảm khi NSND Y Moan - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên thể hiện “Giấc mơ Chapi”, đã đến với vùng đất đầy nắng, cát và gió Ninh Thuận, đã biết đến đồng bào dân tộc Raglai, nhưng để nghe trực tiếp, nhìn trực tiếp từ chế tác đến thể hiện loại nhạc cụ vô cùng giản dị, tiếng lòng, tình cảm của núi rừng, thiên nhiên - Đàn Chapi thì ngày càng hiếm.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai đang chế tác đàn Chapi

Để chế tác được đàn Chapi phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao, vì mọc dưới thấp, rễ hút nhiều nước, tiếng kêu sẽ không thanh. Sau đó phải gác trên chái bếp 3-4 tháng cho ống tre gai thật khô, thật dai mới đem làm đàn.

Tiếp đến là công đoạn chế tác đàn, ống tre gai sau khi đã phơi thật nỏ trên gác bếp, dùng dao rạch vỏ, tách lên bốn cặp dây khoảng cách đều nhau nhưng có độ dày mỏng khác nhau và dùng những thanh tre chêm vào tạo khoảng hở, rồi buộc chặt bằng những sợi dây hái trên rừng.

Làm được Chapi đã lâu, khảy được Chapi còn lâu hơn nữa. Điệu đàn Chapi khó thuộc vì không thể ký âm ra giấy được như những làn điệu của người Kinh và nhiều dân tộc khác mà chỉ có những sợi dây đàn phát ra âm thanh trầm bổng. Tiếng đàn như tiếng lòng, cho nên phải có tâm sự, phải khảy mỗi ngày, mỗi đêm thì mới nhớ nổi, để lâu là quên.

Đồng bào Raglai đánh Mã la và giới thiệu đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình

Từ việc chế tác từ cây tre vô cùng gần gũi, đến gửi tiếng lòng vào đàn Chapi và những giai điệu từ đàn Chapi đã được các nghệ nhân thể hiện, tương tác rất giản dị, thân thương bằng tấm lòng của đồng bào Raglai cùng các ca sỹ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và những người yêu và đồng cảm với “Giấc mơ Chapi”.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi trình tấu đàn Chapi giao lưu cùng các nghệ sỹ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại không gian làng dân tộc Raglai

Tại chương trình, đồng bào Raglai đã biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc đặc trưng của dân tộc mình như: đánh Mã la; trình tấu đàn Chapi; chủ nhân đàn Chapi cùng giao lưu trình diễn ca khúc “Giấc mơ Chapi” với các nghệ sỹ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; ngoài ra còn có các tiết mục độc tấu đàn T'rưng, đàn bầu, sáo trúc do các nghệ sỹ biểu diễn. Đặc biệt, tại làng dân tộc Ê Đê, đồng bào Raglai bên đàn Chapi cùng đồng bào Ê Đê, các nghệ sỹ và khách du lịch đã hát cùng hình ảnh NSND Y Moan ca khúc “Giấc mơ Chapi” vô cùng xúc động, tưởng nhớ người NSND Y Moan - người con của dân tộc Ê Đê, là ca sĩ đầu tiên hát “Giấc mơ Chapi” và cũng là người hát thành công nhất, gắn với Y Moan cho đến buổi biểu diễn cuối cùng của đời ông.

Nghệ nhân dân tộc Raglai trình tấu đàn Chapi giao lưu cùng các nghệ sỹ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hát cùng hình ảnh NSND Y Moan ca khúc "Giấc mơ Chapi" tại không gian nhà dân tộc Ê Đê

Chương trình góp phần giao lưu, đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung", đồng thời để chính chủ thể văn hóa giới thiệu bản sắc dân tộc mình đến với du khách, là cơ hội quý báu giúp du khách được tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm mang lại không khí vui tươi, bổ ích cho du khách khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương