Trưng bày, triển lãm và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam”
(LVH) - Sáng 19/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra trưng bày, triển lãm và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam”. Đây là hoạt động chính nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2017.
Có thể nói, nhạc cụ tre nứa chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, gắn bó với cuộc sống và trong lao động sản xuất, cùng phong tục tập quán, lễ hội của mỗi miền, mỗi địa phương góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn, tình cảm. Ngay từ khi ra đời, nhạc cụ tre nứa dân gian đã là một hệ nhạc cụ hoàn chỉnh có vai trò riêng, phong phú về số lượng, đặc sắc về âm thanh, đa dạng về cấu trúc, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Nhạc cụ tre nứa mang tính phổ biến bởi nó được tạo nên từ chất liệu thô sơ, vốn rất sẵn có ở mọi nơi, như trong vườn, làng mạc hay trong rừng. Đây cũng chính là nét đặc thù của loại hình nhạc cụ này.
 |
Nghệ nhân A Ma Loan (dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk) đang chế tác nhạc cụ
|
Tại triển lãm, 3 loại nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa gồm: Nhạc cụ dây, hơi, tự thân vang được các nghệ nhân các dân tộc chế tác và trình diễn. Nhạc cụ dây gồm: Goong Kham của dân tộc Ê Đê; Roong rơla của dân tộc Mơ Nông;... Ngoài ra, còn có nhạc cụ hơi, đây là nhạc cụ tác động bằng không khí để tạo ra âm thanh, bao gồm các loại Pí (Pí tam lang, Pí đôi, Pí ló, Pí thiu, Pí phắp...), khèn (dân tộc Thái, Tà ôi, Pa cô..), K’long put (dân tộc Ba-Na, Xê-Đăng). Nhạc cụ tự thân vang gồm mõ, t’rưng (dân tộc Ba-Na, Gia Rai, Xê-Đăng) là những nhạc cụ khi được tác động, toàn thân nhạc khí rung lên, tạo thành âm thanh.
 |
Hai bạn trẻ (dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk) đang chơi Đing Pâng
|
Mặc dù được làm từ tre nứa, có cấu tạo đơn giản, nhưng nó lại có khả năng gây sự chú ý cho người nghe. Cũng chính vì thế mà nhạc cụ tre nứa chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống nhạc cụ dân tộc. Từ những ống tre, ống bương gùi nước ở suối, đồng bào đã biến nó thành loại nhạc khí có tác dụng độc đáo, hấp dẫn người nghe.
.jpg)
Nghệ nhân Phạm Văn Sự (dân tộc H'rê tỉnh Quảng Ngãi) đang chơi Brooc
Tuy nhiên, để làm một chiếc đàn bằng tre, nứa… không hề dễ dàng. Bởi ngoài sự khéo léo người làm đàn còn phải có cảm âm tốt để có thể tinh chỉnh và chế tác thành những nhạc cụ có âm thanh tốt.
 |
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (dân tộc Thái tỉnh Nghệ An) trình diễn nhạc cụ Xò lò
|
Nhạc cụ tre nứa mỗi khi ngân vang như nói lên những vui buồn, ước mơ, khát vọng của đồng bào dân tộc. Nó là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc anh em, giữa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới. Chính vì vậy, nhạc cụ tre nứa là loại hình vô cùng độc đáo trong kho tàng nhạc cụ dân tộc.
 |
Du khách thích thú khi được chơi đàn T'rưng
|
Hoạt động trưng bày, triển lãm và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam” kéo dài đến hết ngày 23/4. Đây là cơ hội quý báu cho những du khách chưa có dịp được đến những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh sẽ được trải nghiệm và thưởng thức những giai điệu ngọt ngào du dương nơi núi rừng giúp cho du khách hiểu thêm đời sống của cộng đồng các dân tộc anh em, đồng thời chung tay góp phần gìn giữ các giá trị tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương