Tái hiện lễ cưới truyền thống các dân tộc Tây Nguyên qua lễ cưới của người Ê Đê

(LVH) - Sáng 28/11, nhóm đồng bào vùng Tây Nguyên đang hoạt động thường xuyên tại "Ngôi nhà chung", đã tham gia tái hiện lễ cưới truyền thống các dân tộc Tây Nguyên thông qua lễ cưới truyền thống của người Ê Đê, đây là một trong hoạt động tháng 11 “Đại đoàn kết - Tinh hoa văn hóa Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Đám cưới truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên có những nét khác biệt so với các dân tộc khác, trong đó, người Ê Đê mang đậm chế độ mẫu hệ, nên người con gái chủ động đi hỏi và cưới chồng, việc thách cưới là do nhà trai yêu cầu. Đây là nét văn hóa thể hiện vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân, truyền thống độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng.

Tại chương trình, đồng bào Ê Đê cùng đồng bào Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu đã tham gia tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc mình, trong đó, đồng bào Ê Đê đại diện nhà trai; đại diện nhà gái đồng bào Xơ Đăng, Cơ Tu; đồng bào Ba Na và Cơ Tu đại diện cho thầy cúng làm lễ tơ hồng và ông mai, bà mối.

Nghệ nhân dân tộc Ê Đê Đinh Rao và nghệ nhân H Năm Niê đại diện cho nhà trai  

Người con trai, con gái Ê Đê khi quyết định thành hôn trước tiên sẽ tổ chức đám hỏi. Nhà gái chuẩn bị lễ hỏi gồm một chén rượu và một vòng đồng để cúng thần, sau đó cô gái cùng ông mối đến nhà trai. Nếu ở khác buôn thì những người đi hỏi mang theo cơm nếp với ý nghĩa để đôi trai gái gắn bó với nhau như cơm nếp. ĐămĐêi (anh, em trai bên mẹ) cầm chiếc vòng đã được cúng thần để hỏi chàng trai, nếu chàng trai ưng thuận thì họ làm lễ trao vòng, cô gái và chàng trai chạm tay vào chiếc vòng (đây là lời giao ước hôn thú). Từ đó, coi như hai gia đình trở thành thông gia, mỗi gia đình cử ra Miết Ava (người đỡ đầu) của mình đại diện cho hai gia đình giúp đôi trai gái nên vợ nên chồng cũng như tham gia khuyên răn, hòa giải những bất hòa giữa hai gia đình. Nếu người con trai không đồng ý, thì nhà trai làm một nghi lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để tỏ lòng tôn trọng và duy trì sự hòa thuận với nhau.

Nghệ nhân Y Sinh (dân tộc Xơ Đăng) và nghệ nhân Hồ Xuân Lim (dân tộc Cơ Tu) đại diện nhà gái

Hai gia đình gặp nhau bàn việc thách cưới do nhà trai đưa ra, thường là thách cưới rất cao. Đồ thách cưới gồm trâu, bò, chiêng, ché và ngày nay có thể là vàng...Nếu nhà trai và nhà gái đồng ý, họ sẽ chọn ngày đưa cô gái về sống tại nhà chồng một thời gian để thử thách. Nếu cô gái không trả nổi lễ vật thách cưới, thì phải ở lại làm việc tại nhà chồng cho đến khi hết nợ mới có quyền rước chồng về nhà mình. Lúc này người con gái đó mới có quyền làm lễ gọi chồng. Trường hợp trả không hết nợ (thường mồ côi) thì cô gái phải ở luôn bên nhà chồng. Đôi khi, vì đồ thách cưới rất cao nên có trường hợp có con rồi mới làm lễ cưới.

 

Cô dâu Y Thơm - Nen Nen (dân tộc Xơ Đăng) và chú rể Y Duly - Chi Chi (dân tộc Ê Đê) tham gia tái hiện lễ cưới

Khi đã đủ đồ thách cưới, nhà gái sẽ trao cho nhà trai và xin cưới, tức là làm lễ gọi chồng. Ngoài đồ thách cưới, nhà gái còn mang sang nhà trai ba lễ vật bắt buộc để trả công cho mẹ chồng gồm: một chén bằng đồng (trả công ơn cho mẹ chồng đã tắm cho chồng lúc còn nhỏ bằng thau đồng), tám vòng đồng (tượng trưng tám lễ cúng trong chu kỳ sống của một con người trước khi lập gia đình); một cái chăn (trả cho mẹ chồng đã địu chồng lúc còn nhỏ). Ngoài ba lễ vật trên, còn có nhiều vòng đồng để phát cho các thành viên của gia đình chồng.

 

Tổ chức nghi lễ đám hỏi

Nhà trai tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Trên đường về nhà gái, chú rể được tặng nhiều vòng đồng - coi đó là lời cam kết thủy chung và lời chúc tụng hạnh phúc (trong khi rước rể, một tốp thanh niên sẽ đón đường té nước vào chú rể để thay lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ). Trong nghi lễ, khi chủ nhà và khách đã yên vị, mọi người tiến hành lễ cúng cho mẹ chồng một ché rượu, một con heo. Sau đó, là lễ cúng tổ tiên gồm năm ché rượu và một con heo. Một Đăm Đêi lấy máu con vật hiến sinh bôi lên chân đôi vợ chồng mới cưới, chúc cho hai người hai miếng cơm với ba sừng rượu. Vị trưởng họ nhà gái, đại diện hai bên trao vòng đồng cho đôi vợ chồng trẻ và nhắc nhở sống chung thủy với nhau. Khách dự lần lượt đi qua mặt hai vợ chồng chúc tụng và tặng quà.

 

Thực hiện các nghi lễ trong đám cưới

Tiếp đó, thầy cúng đọc lời khấn thỉnh mời chư vị thần về chứng kiến và chung vui cùng gia đình hai họ trong lễ cưới. Cầu mong chư vị thần phù hộ cho cô dâu chú rể hạnh phúc, con đàn cháu đống, sống gắn bó đến già. Sau đó, mời tất cả bà con dân làng, người mai mối tập trung về quanh chung rượu cần để chứng kiến lễ cưới. Chủ hôn (mai mối) căn dặn 2 vợ chồng phải gắn bó chung thủy, không được bỏ nhau, nếu bỏ nhau sẽ bị xử phạt theo tục lệ của buôn làng. Kết thúc các nghi lễ, mọi người cùng ăn uống, nhảy múa chúc mừng hạnh phúc vợ chồng trẻ.

Thông qua buổi tái hiện, các dân tộc được hòa vào nét văn hóa của người Ê Đê, góp phần giao lưu, tìm hiểu văn hóa lẫn nhau, qua đó, tình cảm của cộng đồng các dân tộc lại càng gắn bó, gần gũi, thân thiết cùng chung sống dưới một ''Ngôi nhà chung" Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến (ảnh: Ngọc Tân)