Cây Lanh trong đời sống xã hội của người Mông

(LVH) - Truyền thống trồng cây lanh là một truyền thống tốt đẹp gắn với người Mông từ bao đời nay, việc sử dụng các sản phẩm từ lanh được phản ánh trên nhiều phương diện, trong đó có ở các lĩnh vực sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như: Ăn, mặc, ở... đến tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống và phong tục tập quán. 

Ngày xưa người Mông chưa có vải để may quần, áo mặc, chỉ biết bóc các loài vỏ cây để làm quần, áo. Một hôm, người Mông thấy có một con chim lạ bay vào nhả hạt xuống nương của mình, không lâu thì thấy hạt mọc mầm và lên cây. Từ đó họ đem đi trồng, sau một thời gian ngắn, cây lớn nhanh, rất thẳng, dẻo và cao.

Ngay sau đó họ liền chặt về đem phơi khô rồi bẻ ra, thấy bên trong lõi cây thì cứng ngoài là vỏ mềm. Người Mông tước ra nối thành từng sợi dài và đem ra phơi ngoài nương để làm dây buộc, thì con chim lạ xuất hiện đến cắp sợi bay đi. Người Mông thấy vậy liền đi theo dấu vết con chim lạ, ngắm nhìn thấy con chim cuốn từng sợi vào những cành trúc thành vòng tròn rất đều và chắc chắn để làm chỗ trú ẩn. Nhìn thấy con chim lạ dùng mỏ kéo các sợi dây đan vào nhau, người Mông về nhà chặt cây trúc làm thành một khung tròn và quấn thành từng vòng vào các ống cây giống như chim lạ đã làm. Thấy các sợi lanh đã cuốn chặt, mịn rất đẹp và mặc vào người thì thấy mềm và thuận tiện, người Mông đã nghĩ ra cách khâu nối các công đoạn để thành mảnh vải. Qua quá trình lao động tự chế tác tỉ mỉ, công phu, người Mông đã thành công việc tự dệt cho mình những tấm vải để làm quần áo mặc thay cho vỏ cây trước đây. Qua lời giới thiệu trên, du khách đã phần nào hiểu được ý nghĩa của cây Lanh đối với đời sống sinh hoạt của người Mông và nhắn nhủ với mọi người rằng: Nguồn gốc sợi Lanh là vật không thể thiếu được nó gắn bó giữa người còn sống và vật nuôi và là sợi dây linh thiêng với người đã khuất.

 Công đoạn dệt sợi lanh thành vải của người Mông 

Quy trình dệt sợi lanh thành vải của người Mông, đầu tiên là chọn đất trồng lanh, đất phải màu mỡ, thích hợp cho việc canh tác, là khu đất bằng phẳng, ít đá, ở những nơi cao ráo. Lanh là loại cây ưa ánh sáng nên mảnh đất trồng lanh phải được phát quang làm cho xung quanh thoáng đãng, không có cây to che bóng; thứ hai là kỹ thuật trồng lanh; người Mông thường trồng lanh từ giữa tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, tùy theo thời tiết, sau khi trồng ngô xong. Việc lựa chọn hạt lanh rất quan trọng, hạt phải chắc và mẩy. Đất trồng lanh sau khi được cày sới, phơi ải, dùng cuốc đập đất cho tơi nhỏ và nhặt sạch cỏ thì mới được gieo hạt; thứ ban là kỹ thuật và các công đoạn chế biến lanh thành sợi: Cây lanh khi thu hoạch về được phơi nắng 3-4 ngày và cách nhật, phơi đến tối thì cất, sau đó cây lanh lại được phơi sương 2 đêm cách nhật và cuối cùng phải phơi thêm một ngày nắng nữa. Lúc này cây lanh mới đủ độ để có thể đem tước lấy sợi và tất cả các công đoạn phơi phải làm xong trước khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về, nếu không lanh sẽ bị khô sợi, vì như vậy sẽ làm giảm độ bền của lanh, sợi sẽ bị nát và khó nối.

Cây lanh sau khi được phơi đủ độ người ta sẽ tiến hành bóc vỏ lanh. Việc bóc vỏ phải đảm bảo cho phần vỏ được bóc nguyên sợi từ gốc đến ngọn cây lanh, không để bị đứt nhiều đoạn, mỗi lần bóc tách vỏ ra khỏi than cây lanh chúng ta sẽ có được một mảnh vỏ cây lanh to và dài. Những sợi nào tước ra nhỏ và vừa thì để nguyên, còn sợi nào to chúng ta sẽ tiến hành tước sợi thành từng sợi nhỏ và đều nhau. Công đoan này thường được những người phụ nữ và trẻ em trong gia đình tranh thủ làm vào những khi công việc gia đình, đồng áng rảnh rỗi. Những ngày trời mưa không đi nương được, việc tước vỏ lanh cũng đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật để sợi lanh thật đều, dài sợi và không bị đứt. Những sợi lanh sau khi tước thành sợi nhỏ sẽ được bó thành từng bó đều nhau và bỏ vào cối giã để cho sợi mềm và bong hết lớp vỏ lanh đi để dễ nối. Cây lanh sau khi đã giã mềm sẽ tiếp tục đến công đoạn nối sợi. Sợi được nối dài và quấn vào long bàn tay thành các cuộn lanh. Sợi được nối bằng tay, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Sau đó các cuộn lanh này sẽ đem ngâm nước từ 15-20 phút cho sợi mềm và tăng độ dẻo dai rồi mới cho lên guồng quay để bắt đầu công đoạn thu sợi lanh. Thực hiện công đoạn này để cho sợi chuyển từ dạng bẹt và mỏng sang dạng tròn và xoắn bện của sợi.

 Cây lanh trong đời sống xã hội của người Mông 

Sau khi đã được quay sẽ ngâm vào nước khoảng 15 phút cho ngấm đều, rồi giăng sợi vòng quanh các mắc sợi, sau đó sợi lanh được ngâm cùng với nước tro bếp rồi luộc chín trong khoảng thời gian từ 30 - 60 phút cho bong hết vỏ xanh thì vớt ra và ủ một lớp tro trong vòng 5 ngày. Sau đó đem đi giặt sạch cho lên guồng thu sợi phơi khô. Sau đó sợi còn được luộc và ủ thêm 3 lần, lần luộc cuối cùng người ta cho một ít sáp ong vào cho sợi trắng mịn và dai chắc, sau đó đến công đoạn Lăn sợi và sợi được đặt trên một khúc gỗ tròn, dùng phiến đá có độ dài khoảng 70 đến 80cm, rộng 30cm đến 40cm đặt lên trục gỗ rồi đứng lên phiến đá, tay vịn vào tường, chân đẩy lúc sang trái, lúc sang phải làm cho trục gỗ chuyển động lăn đi lặn lại miết xuống sợi lanh tạo độ mềm, bóng, các đầu nối sợi mỏng ra và phẳng. Đây là công đoạn đòi hỏi người thực hiện phải khỏe chân và khéo léo để phiến đá không bị trượt khỏi khúc gõ tròn, đén đoạn Tháo sợi: Sau khi lăn xong sợi lanh bóng, trắng, người ta bắt đầu mang ra phơi để cho các sợi lanh tách ra. Sau đó quấn lên “Khấu lỳ” (đoạn trúc hình dấu cộng) rồi lựa chọn từng sợi một. Sau khi chọn xong tiếp tục nối từng sợi lanh vào vòng xoay bằng tay. Sau khi quấn xong, tách ra thành từng sợi quấn vào một ống trúc, lắp vào khung đạp tách thành từng cuộn một. Trên khung gồm có 5 cuộn, sau khi đặt sợi lanh vào khung người phụ nữ mới dùng chân đạp để sợi lanh quấn đều trên 5 ống trúc. Sau khi tháo sợi xong, xếp sợi dọc thành các con chỉ và chuyển sang khung dệt.

 Khung dệt của người Mông rất đơn giản họ rất khéo léo dệt từng sợi lanh để cho ra những mảnh vải thổ cẩm rất đẹp (Không gian lễ hội hoạt động tại Ngôi nhà chung") 

Khung dệt của người Mông rất đơn giản gồm có: Khung dệt được buộc vào vách nhà hoặc cột nhà, liên kết các bộ phận trong khung dệt gồm có thanh căng, lợi nén, go, trục cuốn vải, chân đạp guốc và thanh ghế ngồi. Trước khi dệt vải phải trải qua các công đoạn dán sợi, lên go, mắc cửi. Dàn sợi là công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian. Tùy theo tấm vải ngắn, dài mà người ta dàn sợi nhiều hay ít. Thông thường một khổ vải lanh có kích thước 35 - 50cm, khổ 35cm sẽ có 216 sợi dọc, khổ 50cm sẽ có 780 sợi dọc.

Khi dệt người thợ ngồi trên ghế bắn ngang khung dệt, sau đó vòng dây căng qua lưng rồi kéo căng sợi dệt. Khi dệt dùng điều khiển bàn guốc để tách nhịp sợi so le, đồng thời tay luồn thoi giữa hai hàng sợi, đá sợi ngang qua lại. Dùng lung tay thoi dập mạnh cho các sợi chỉ khít lại với nhau. Vẽ hoa văn; Người Mông có nhiều loại hình hoa văn trên váy, khăn đội đầu, trên thắt lưng hoặc mặt địu trẻ em, nó được thể hiện bằng kỹ thuật thêu tay, bằng đắp vải mà và vẽ hoa văn bằng sáp ong. Những hoa văn vẽ bằng sáp ong được tạo ra bằng cách như sau: Trước tiên người ta dùng dụng cụ vẽ đó là chiếc bút gắn ngòi đồng nhưng cũng có khi chỉ là những chiếc que tre bẻ thành hình tam giác, loại to để tỉa hoa lá, loại vừa chuyên vẽ hình vuông, hình tròn, hình xoắn ốc. Loại nhỏ để vẽ những đường kẻ nhỏ, những chi tiết bé hơn. Sau khi nấu chảy sáp ong họ sẽ nhúng đầu bút vẽ hoa văn lên vải, vẽ xong đem tấm vải đó đi nhuộm chàm.

Du khách có dịp ghé tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) sẽ được hòa mình vào các không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc các vùng miền, đặc biệt quý khách muốn tìm hiểu thêm về cây lanh và công đoạn dệt sợi lanh thành vải của người Mông thì hãy đến với “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam để khám phá phong tục tập quán, nét ăn, ở của đồng Mông đang sinh sống và hoạt động hàng ngày tại nơi đây.

Thúy Nga