Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lai Châu được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Sáng 1/5, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lai Châu đã tổ chức tái hiện lễ hội Gầu Tào trong khuôn khổ hoạt động nhân dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Gầu Tào là một lễ hội độc đáo có từ lâu đời của người Mông, luôn được bà con trông chờ nhất vào dịp đầu Xuân. “Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi,” ở một số nơi, người Mông còn gọi lễ hội là Say Sán, nghĩa là đạp núi. Tùy từng vùng người Mông, lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau (thường tổ chức từ mồng 3 đến ngày 15 tháng Giêng).

Chủ lễ và bà con đứng xung quanh cây nêu chuẩn bị thực hiện lễ cúng
Theo truyền thuyết dân gian, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai.
Sau một thời gian người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần. Nguồn gốc Lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó.
Chủ lễ thắp hương và khấn xin thần linh cho phép mở hội trước cây nêu
Ngày nay, lễ hội được nhân rộng trở thành lễ hội của cộng đồng làng bản. Vì vậy, ngoài việc cầu con, lễ hội còn là dịp cầu tạ trời đất, thần linh phù hộ, cầu phúc, cầu lộc cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phần lễ được tổ chức tại khu đất rộng có dựng cây nêu, đây cũng là vị trí thầy cúng thực hiện các nghi lễ
Trung tâm của lễ hội Gầu Tào là cây nêu làm từ cây tre được trồng ở giữa một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi. Trên cây nêu mang một bầu rượu, túm thóc nương, bắp ngô và những dải băng nhiều màu sắc để kính thần linh trên trời, dưới đất.
Người chủ lễ thường là già làng, trưởng bản có uy tín, thay mặt bà con thực hiện nghi lễ linh thiêng.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Phần lễ gồm nghi thức thắp hương và khấn xin thần linh cho phép mở hội trước cây nêu.
Mọi người cùng uống rượu sau khi kết thúc phần lễ
Phần hội sôi nổi với những trò chơi dân gian như múa khèn, ném pao, nhảy dây pao, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, đánh cù, hát ống, hát giao duyên,…
Lễ hội là dịp đồng bào dân tộc Mông cùng giao lưu văn hóa, thể thao truyền thống, góp phần gắn kết cộng đồng làng bản và giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Buổi lễ được tái hiện tại không gian chợ vùng cao với sự tham dự của cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nsm
Lễ hội Gầu Tào là di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông, thông qua việc tổ chức tái hiện tại “Ngôi nhà chung” đã góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông đến với cộng đồng các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hải Yến (ảnh: Thu Lê)