Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ
(LVH) - Mỗi dân tộc ở mỗi vùng miền lại có những trang phục truyền thống riêng biệt mang đậm bản sắc của dân tộc đó, với người Dao ở Hà Giang cũng vậy, cùng là người Dao Đỏ nhưng ở mỗi vùng thuộc Hà Giang người Dao Đỏ lại có những trang phục riêng mang đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Đặc biệt, khi về tham gia các hoạt động trong khuôn khổ tháng 4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Dao Đỏ ở Hà Giang đã giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc mình tới du khách tham quan.

Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ
Sự khác biệt giữa trang phục của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì và người Dao Đỏ ở Quản Bạ... càng làm phong phú thêm sắc màu văn hoá trang phục của các dân tộc ở Hà Giang. So với người Dao Đỏ ở Quảng Bạ thì người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn bộ trang phục cổ truyền bao gồm khăn đội đầu, áo dài, áo con, dây lưng, xà cạp và đồ trang sức bằng bạc. Khăn đội đầu của người Dao Đỏ ở đây thường có hai loại, khăn vấn bên trong và khăn phủ bên ngoài. Khăn vấn bên trong thường là màu chàm hoặc đen, dài khoảng 155cm, rộng 12cm. Toàn bộ mặt khăn được thêu kín các hoạ tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ và màu đỏ. Hai đầu khăn đính nhiều chuỗi hạt cườm và có tua dài màu đỏ. Khăn được gấp đôi theo chiều dọc, hai mép khăn khâu lại với nhau thành một cái ống. Khi đội người ta cuộn nhiều vòng quanh đầu, thường từ hai đến ba khăn nối nhau thành một cái vành rộng.

Cách quấn khăn đội đầu của người Dao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang (ngày 30/4/2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)
Khăn phủ bên ngoài thường cũng làm bằng vải chàm màu đen, dài 18cm, rộng 23 cm. Hai đầu khăn thêu hoa văn trang trí bằng chỉ màu giống như khăn vấn bên trong. Khi đội, khăn này phủ bên ngoài vành khăn bên trong, hai đầu khăn đỏ về phía sau vai. Cùng với chiếc khăn, trong trang phục của người Dao Đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài. Theo phong tục, phụ nữ Dao Đỏ ở đây không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các hoạ tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ như nẹp ngực. Cửa tay áo, nẹp xung quanh tà áo trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ và trắng. Riêng ở gấu vạt trước và sau người ta thêu hai nẹp tách rời nhau, trông xa như hai áo mặc lồng nhau, áo ngoài ngắn hơn áo trong.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Đỏ trong lễ cưới truyền thống (ảnh sưu tầm)
Bên trong của chiếc áo dài, phụ nữ Dao Đỏ còn mặc áo con, gọi là lui ton, giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực và bụng, cổ tròn mở sau gáy, có nẹp cổ dài hình chữ nhật, từ cổ xuống nửa thân áo đều bằng vải đỏ và có những đường thêu bằng chỉ trắng và vàng. Khoảng giữa thân áo mỗi bên đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc ra phía sau lưng. Góp phần trang trí thêm cho chiếc áo dài còn có dây lưng. Áo người Dao Đỏ không có khuy nên khi mặc người ta vắt chéo thân bên này đè lên thân bên kia rồi buộc dây lưng ra ngoài. Dây lưng bằng vải đỏ và không có hoa văn trang trí. Quần của phụ nữ Dao Đỏ luôn cùng màu với áo là màu chàm hoặc đen, được cắt theo kiểu chân què, cạp lá toạ. Gấu của ống quần có một vài đường thêu bằng chỉ màu trắng, đỏ và vàng.
Cùng với chiếc quần là xà cạp. Xà cạp bằng vải màu trắng. Một đầu được thêu nhiều hoạ tiết khác nhau bằng chỉ màu đen. Cùng với xà cạp là dây buộc có tua dài màu đỏ. Nếu như trang phục của phụ nữ Dao Đỏ cầu kì bao nhiều thì trang phục của nam người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì lại rất đơn giản, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần.
Khăn đội đầu của nam giới thường làm bằng vải thô màu chàm hoặc đen, khi đội được gắp làm tư theo chiều dọc rồi cuốn lên đầu nhiều vòng, vòn đầu thừa gài vào bên trong vành khăn. Áo ngắn cũng màu chàm hoặc đen, cổ tròn, mở ngực, không khoét nách, tay đấu thẳng vào thân. Nẹp ngực, gấu của hai thân trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ, trắng và vàng. Nẹp áo thân bên trái còn đính thêm một miếng vải màu đỏ hình chữ nhật dài từ thân cổ áo xuống quá chỗ xẻ tà. Miếng vải này được thêu kín các hoạ tiết hoa văn bằng chỉ đỏ, trắng và vàng. Người Dao Đỏ thường gọi miếng vải đó là lùi kệm. Quần của nam giới cũng cùng màu với áo, cắt theo kiểu chân què, cạp lá toạ giống như quần của nữ, chỉ khác là dưới gấy chân quần của nam không thêu chỉ màu như nữ.

Phụ nữ Dao đỏ chỉnh sửa khăn cho nhau trước khi diễn ra lễ hội
Bộ trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Quảng Bạ có nhiều nét khác biệt với người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì đặc biệt là về trang phục của nữ giới. Áo dài của phụ nữ Dao Đỏ Quản Bạ cũng màu chàm hoặc đen nhưng tay áo gồm nhiều khoanh vải khác nhau mà chủ yếu là vải hoa được can lại với nhau giống như tay áo của phụ nữ Hmông. trên áo của phụ nữ Dao Đỏ ở đây còn thêm cái tạp dề giống như tạp dề của người Hmông. Cái giống duy nhất và làm cho người ta nhận ra người Dao Đỏ ở đây chính là nẹp ngực áo được trang trí giống như nẹp ngực áo của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì. Áo con của phụ nữ Dao Đỏ ở đây cũng khác, chỉ bằng một nửa áo con của phụ nữ Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì. Nó cũng không được thêu hoạ tiết gì mà được ghép bằng nhiều dải vải nhỏ khác màu. Trên cổ áo và trên băng vải ở giữa áo được đính nhiều mảnh bạc hình sao.Trang phục của nam giới người Dao Đỏ thường không thống nhất và khác xa với trang phục nam giới người Dao Đỏ ở Hoàng Su phì, chỉ giống ở chiếc mũ đội đầu nhưng cách đội của những nam giới ở đây cũng khác hẳn.

Hình ảnh phụ nữ Dao Đỏ trong Lễ hội Bàn Vương tại "Ngôi nhà chung"
Việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc hiện luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các địa phương thường tổ chức các cuộc liên hoan, trình diễn trang phục của các dân tộc nhằm khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tỉnh Hà Giang đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Do vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ là việc làm hết sức có ý nghĩa.
Thúy Nga