Không gian văn hóa Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Lễ tra hạt, Lễ hội xên cung, vũ điệu tăng bu, dỗ ống, hát tơm, hát đối đáp, hát mời rượu, khèn bè, nhị 2 cây,...đó là một trong những nét văn hóa của người Khơ Mú, thông qua nhóm nghệ nhân dân tộc Khơ Mú góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đó đến gần hơn với cộng đồng các dân tộc và đông đảo du khách tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Làng dân tộc Khơ Mú nằm trong cụm Làng I, thuộc Khu các làng dân tộc, nơi tái hiện không gian văn hóa của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ.

Làng dân tộc Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng theo kiến trúc truyền thống được lấy mẫu ở tỉnh Bắc Giang, Điện Biên và Nghệ An xây dựng năm 2010. Không gian văn hóa Khơ Mú được phục dựng tại Làng có diện tích 0,36ha, trong đó có một nhà sàn có diện tích xây dựng là 58,32m2.

Đồng bào Khơ Mú tổ chức Lễ tra hạt

Nhà ở người Khơ Mú là nhà sàn, có 5 gian, hai đầu hồi có sàn nhỏ. Nhà được chia làm ba phần theo chiều dọc, phần phía trước và sau dành cho sinh hoạt, phần giữa là lối đi trong nhà. Gian hồi bên phải là bếp, gian hồi bên trái dành để tiếp khách và bếp khách. Bên trong nhà Khơ Mú, trưng bày các nhạc cụ bộ chiêng, trống, sáo nhị, tăng bu và các hiện vật gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào như rổ, rá, nong, nia, nơm đánh bắt cá,...

 Điệu múa tam đao của đồng bào Khơ Mú

Từ năm 2016 đến nay, đồng bào dân tộc Khơ Mú đã bắt đầu về hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo hình thức luân phiên.

Tại đây, nhóm đồng bào đân tộc Khơ Mú đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng các dân tộc anh em và du khách tham quan thông qua tổ chức lễ hội, phong tục tập quán như: Lễ mừng nhà mới, Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt, Lễ hội xên cung; đan lát các loại vật dụng hàng ngày; giới thiệu những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo như điệu múa tăng bu, dỗ ống, hát tơm, hát đối đáp, hát mời rượu với các nhạc cụ rất phong phú gồm trống, chiêng, não bạt, khèn bè, nhị 2 cây; giới thiệu ẩm thực với các món ăn đặc trưng như gà mọ, thịt nướng ống tre, cá nướng, cách nấu rượu truyền thống,... tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, chơi bập bênh,...

Thầy cúng mời tất cả các thành viên trong bản uống rượu cần trong lễ Xên Cung của người Khơ Mú

Với những nét văn hóa độc đáo và riêng có của dân tộc Khơ Mú đã góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những bản sắc đó của dân tộc Khơ Mú và cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại đây đã tạo nên sự riêng biệt và sức hút cho Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến