Khám phá nhà sàn dài - không gian sống theo chế độ mẫu hệ của người Ê Đê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Làng dân tộc Ê Đê được phục dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ năm 2008, với các công trình như nhà sàn dài, nhà mồ, kho lúa, trong đó nổi bật lên là kiến trúc nhà sàn dài - không gian sống theo chế độ mẫu hệ của người Ê Đê (tỉnh Đắk Lắc).

Người Ê Đê họ không có nhà rông và thay vì nhà rông họ có những ngôi nhà dài thể hiện chế độ mẫu quyền lớn.

Nhà dài mái dốc là nơi sinh sống của một hoặc nhiều hộ gia đình thuộc nhiều thế hệ trong một dòng họ. Mỗi hộ có một bếp lửa riêng, nhà dài Ê Đê luôn luôn có hai cầu thang ở hai khu hồi, cầu thang chính dành cho nam, cầu thang phụ dành cho nữ. Phía trước cầu thang là các sàn chiếu tới (như một sảnh đón). Bếp lửa dành cho khách được bố trí gần cửa chính, bên trái. Không gian khách và hội họp bên phải. Phía cầu thang phụ là không gian sinh hoạt gia đình. Nhà Ê Đê có thể bố trí các cửa sổ dọc theo hai vách dài.

Nhà dài Ê Đê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Để lên nhà phải qua hai cầu thang, cầu thang phía sau nhà chỉ dành cho nữ giới trong gia đình, cầu thang phía trước dành cho nam giới và khách. Phía trước có hai chiếc cầu thang cái và đực. Cầu thang cái là cầu thang lên nhà, trên chiếc cầu thang cái có khắc đôi bầu sữa mẹ thể hiện chế độ mẫu quyền của người Ê Đê, khi lên để tỏ lòng kính trọng gia chủ phải bám vào đôi bầu sữa mẹ.

Mái nhà người Ê Đê có độ dốc rất lớn. Mái lợp bằng tranh, sườn mái làm bằng tre, nứa. Đối với nhà sàn dài, tấm tranh được đưa lên mái để lợp sau khi đã hoàn tất việc đặt sườn mái lên khung nhà.

Bên trong nhà dài Ê Đê

Đối với nhà sàn ngắn thì mái được làm hoàn chỉnh rồi khiêng đặt lên khung. Chính vì thế, nhà sàn dài người Ê Đê có hai thanh quá giang ở mỗi khung, một thanh liên kết với cột và giằng dọc tạo thành khung, một quá giang của phần mái làm nhiệm vụ của một thanh khóa kéo. Cầu thang làm bằng gỗ, từ một thân gỗ lớn đẽo thành, có thể là tấm ván lớn hoặc là một thân cây tròn đẽo thành các bậc cấp.

Không gian bên trong nhà sàn dài gồm hai phần rõ rệt: ngăn khách và ngăn ở; từ cửa chính đi vào là ngăn khách gọi là Gah, phần này chiếm khoảng từ 1/3- là nơi tiếp khách, có bếp khách, nơi sinh hoạt chung của cả gia đình, nơi cúng thần, nơi ngủ cho con trai chưa vợ, nơi đặt nhiều đồ quí và nơi đây cũng hàm chứa giống như ngôi nhà rông của người Gia Rai hay Ba Na, phần còn lại gọi là không gian sinh hoạt riêng của những gia đình mẫu quyền nhỏ.

 

Bên trong nhà dài Ê Đê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính giữa đặt ảnh bác Hồ thể hiện tình cảm của đồng bào Ê Đê đối với Bác, bên cạnh đó, trưng bày bộ sưu tập của gia đình cố nghệ sỹ nhân dân Y Moan, gồm ghế kpan, ghế chủ, ché cổ, trống cổ, không gian cồng chiêng, cột gưng và trưng bày những hiện vật khác như khung dệt, đàn tơ rưng, đinh năm, gùi,...

Từ năm 2016 đến nay, các nhóm nghệ nhân Ê Đê tỉnh Đắk Lắc đã luân phiên về hoạt động thường xuyên tại Làng hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã sinh sống và tái hiện các lễ hội, phong tục tập quán, biểu diễn dân ca dân vũ, đón tiếp khách tham quan...tại không gian nhà dài, kiến trúc độc đáo của nhà dài là một trong những điểm hấp dẫn, thu hút du khách khi đến với làng dân tộc Ê Đê.

Hải Yến (ảnh Quỳnh Anh)