Không gian văn hóa dân tộc Tày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Làng dân tộc Tày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là không gian tái hiện đầy đủ khung cảnh một ngôi làng truyền thống của dân tộc Tày với nhà sàn, nhà đất - nhà phòng thủ… thông qua nhóm nghệ nhân dân tộc Tày đang hoạt động hàng ngày tại đây đã giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đó đến gần hơn với cộng đồng các dân tộc và đông đảo du khách tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam..
Làng dân tộc Tày nằm trong cụm Làng I, thuộc Khu các làng dân tộc, nơi tái hiện không gian văn hóa của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Tày - Thái, Tạng - Miến, Mông - Dao, Việt - Mường, Ka Đai.
Làng dân tộc Tày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng năm 2010 theo kiến trúc truyền thống của dân tộc Tày được lấy mẫu ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Lào Cai. Làng dân tộc Tày có diện tích 0,93ha, trong đó, diện tích công trình 290m2, bao gồm 01 nhà đất và 01 nhà sàn.
Đồng bào Tày tái hiện Lễ hội Nàng Hai
Nhà sàn của dân tộc Tày gồm 5 gian, 2 chái, 4 mái, mái lợp lá cọ, cầu thang bằng gỗ lên nhà ở đầu hồi bên phải của nhà, 2 cửa ra vào, 1 ở mặt trước, 1 ở mặt sau nhà. Vách bao quanh bằng ván gỗ mỏng. Sàn lát tre đập dập. Sạp tre để phơi lương thực, có bể nước ở cạnh cầu thang.
Lối lên nhà ở đầu hồi bên trái, đi qua chiếu nghỉ mới vào nhà, sát vách tiền cạnh cửa là gian để dụng cụ nông nghiệp - gian để nồi, bát đĩa - gian để đồ tạp. Chái bên phải là gian chứa sản phẩm nông nghiệp và 2 gian nghỉ. Bên cạnh là bàn thờ. Gian giữa nhà là không gian sinh hoạt chung của gia đình, có 1 bếp chính. Chái bên phải là gian nghỉ. Sát vách hậu là sàn uống nước và chỗ đặt máy sao chè. Vách hậu gian giữa có lối đi ra ngoài sạp phơi lương thực. Phía dưới nhà là nơi nhốt trâu, bò, lợn, gà, để nông cụ và cối xay. Có gác xép để cất giữ hạt giống, lúa, đồ dùng ít khi dùng đến. Cửa sổ được trang trí con tiện bằng gỗ.
Đồng bào Tày tái hiện Tết cổ truyền
Cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có 9 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ Tày. Khi đón khách quý, chủ nhà phải xuống tận chân cầu thang chào mời khách lên nhà, khi khách lên cầu thang chủ nhà cũng phải đi sau để bảo vệ và hướng dẫn cho khách. Sự bài trí trong ngôi nhà sàn của người Tày cũng rất chặt chẽ, sự bài trí ấy thể hiện được nề nếp của gia đình. Nhà được chia thành nhiều không gian khác nhau: Phòng khách, gian thờ, bếp lửa, không gian sinh hoạt riêng, gian thờ được đặt ở phòng khách- nơi trang trọng nhất trong nhà.
Trên ngôi nhà sàn ở của dân tộc Tày cũng có sự phân chia rõ ràng, phụ nữ, con gái thì không được ngồi cạnh trên của bếp lửa, hầu như chỉ ngồi phía sau của bếp lửa và tránh đi qua bàn thờ. Sinh hoạt trong ngôi nhà sàn cũng có những quy định riêng, bố không được vào buồng ngủ của con dâu, con gái, phụ nữ thì kiêng không đi lại trước bàn thờ, không được ngồi cạnh tiếp khách vì như vậy xem như không tôn trọng chồng, xen vào công việc của chồng.
Hát Then, đàn Tính - nghệ thuật độc đáo được đồng bào dân tộc Tày lan tỏa tại “Ngôi nhà chung”
Nhà đất - nhà phòng thủ của dân tộc Tày gồm 3 gian, 1 chái, mái lợp ngói âm dương. Nhà xây tường trình đất, nền đất nện. Một cửa ra vào ở mặt chính của nhà, 2 cửa phụ bên hồi trái và bếp, gác lửng lát bằng ván gỗ, cầu thang bằng gỗ, gác lửng có lan can bằng gỗ.
Trên cùng là gác xép, còn gọi là gác tối, là nơi cất giữ các hạt giống, lúa cum, đồ để làm vải và một số đồ dùng khác ít khi dùng đến. Tầng dưới là nơi sinh hoạt của các thành viên trong nhà. Gian bên trái dành cho sinh hoạt của nam giới. Bên trong có bàn thờ tổ tiên. Sau bàn thờ là một phòng nhỏ của chủ nhà. Ngoài ra còn có bếp, bàn ghế tiếp khách, chỗ dành cho khách nam, cót thóc, cối xay ngô, chỗ đẻ các ống nước, thang lên sàn gác. Phần nhà bên phải dành cho sinh hoạt của phụ nữ. Cạnh phòng này là bếp, chạn bát.
Nhà trình tường có hai kiểu, một kiểu nhà để sinh sống, sinh hoạt bình thường và một kiểu nhà nữa gọi là nhà “Pháo đài”. Móng nhà trình tường được xếp đá khít nên chịu lực và chắc chắn. Nhà trình tường được xây từ dưới xây lên. Để làm các bức tường, đất sét được trộn nhuyễn đổ vào các khuôn gỗ, sau đó dùng chày đập cho đến khi tạo thành khối vững chắc. Làm tường trình phải có 7 lần đất đổ vào khuôn, làm hết lớp này thì làm lớp khác. Trụ nhà ở bốn góc là bốn cây gỗ to chịu lực cho cả ngôi nhà. Hệ thống xà ngang, xà dọc tạo thành khối vững chắc đỡ cho mái nhà. Nhà làm theo kiểu này có kết cấu bền vững, tiết kiệm, ấm về mùa đông và mát về mùa hè.
Đồng bào Tày giới thiệu nghề đan lát
Với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, từ khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khai trương đi vào vận hành khai thác (19/9/2010), đồng bào dân tộc Tày đã về tham gia các hoạt động, sự kiện, từ năm 2016 đến nay đồng bào dân tộc Tày đã bắt đầu về hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại đây nhóm nghệ nhân dân tộc Tày đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và du khách tham quan thông qua tổ chức nhiều hoạt động như tái hiện lễ hội, phong tục tập quán như: Lễ hội Nàng Hai; Nghi lễ Tết cổ truyền; Lễ cấp sắc cho bà Then trong lẩu Then; Lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc; Lễ cưới; Lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của người Tày… giới thiệu nghề thủ công truyền thống như đan lát các loại vật dụng hàng ngày; giới thiệu những làn điệu dân ca, dân vũ; giới thiệu ẩm thực với các món ăn đặc trưng như thịt trâu gác bếp, khau nhục, bánh cuốn… tham gia các trò chơi dân gian như đi cà kheo, chơi bập bênh,...
Nhiều đoàn du khách tham dự Lễ Lồng tồng của dân tộc Tày tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Với những nét văn hóa độc đáo và riêng có làng dân tộc Tày là một trong những điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có thể cảm nhận bản sắc văn hóa dân tộc Tày nói riêng và cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại "Ngôi nhà chung" đã tạo nên sự riêng biệt và sức hút cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương