Quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Quần thể tháp Chăm với 3 tháp: tháp trung tâm - tháp chính, tháp cổng và tháp hỏa được xây dựng tỷ lệ tương đương với cụm tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận và đây được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể Khu các Làng dân tộc III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. 

Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Được khởi công xây dựng từ năm 2008 đến ngày 23/11/2012 Quần thể Tháp Chăm được khánh thành. Những nghi thức quan trọng như hô thần nhập tượng, mở cửa tháp đã được chính chủ thể văn hóa là các thày cả tiến hành theo đúng truyền thống của người Chăm Ninh Thuận. Những nghi thức này đã đem đến tính thiêng cho các ngôi tháp ở đây.

Tháp Chăm, theo Ấn Độ giáo gọi là Sikhara nghĩa là đỉnh núi nhọn, biểu thị của núi Mêru, thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn. Núi Mêru được biểu hiện thành kiến trúc Sikhara, người Chăm gọi là Kalan Chăm, có nghĩa là đền thờ.Ở cả 3 tháp, các hoa văn trang trí được kết hợp giữa các chi tiết đá sa thạch và được đục tay gắn vào, các tai lửa gốm được đục trực tiếp trên khối gạch xây. Các chi tiết đều khá cầu kỳ, tinh xảo. Ngoài ra, việc trang trí các ngưỡng đá, tượng đá cũng là nét nổi bật trong các công trình kiến trúc tín ngưỡng của người Chăm, bởi họ tin rằng bên trong các tảng đá đều có thần linh ngự trị và có thể mang lại cho họ điều may mắn.

Tháp chính - Ka lan (trái) và tháp hỏa (phải)

Kalan - Tháp trung tâm (Tháp A) có mặt bằng hình vuông, bốn hướng có 4 cửa nhưng chỉ có một cửa mở ra theo hướng Đông và được xây nhô ra ngoài mặt tường, các cửa còn lại là cửa giả. Tổng diện tích Tháp Ka lan là 155m2, với độ cao nền 1,86m, chia làm 4 tầng, mỗi tầng có 4 tháp nhỏ dần theo tầng cao. Tháp Ka lan thờ vua Po Klong Garai. Tháp hình núi và gần như là một khối đặc vì khoảng trống bên trong không đáng kể, không chỉ Ka lan, phần “ruột” của cả tháp cổng và tháp hỏa tại “Làng” diện tích bên trong đều nhỏ, chỉ đủ chỗ cho vài người hành lễ.

Ka lan - Tháp chính - Cửa chính diện - lối vào bên trong tháp

Tại cửa vào của tháp chính, hốc mái vòm có trang trí các cột đá, ngưỡng đá và tượng đá. Đá cũng là chất liệu của Linga và Yoni - hai khối vật thể được đặt tại bên trong, chính giữa của tháp chính, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm. Linga và Yoni được người Chăm tôn thờ như “hai vị thần”, hai nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ phân biệt và hòa hợp với nhau để sinh ra vạn vật.

Tượng thần Siva (trên cùng), tượng vũ nữ Chăm, các cột đá, ngưỡng đá bằng sa thạch được đục tay gắn vào tháp,
họa tiết hoa văn là các tai lửa gốm được đục tay trực tiếp trên tháp cầu kỳ, tinh xảo

Tháp hỏa - tháp lửa Kosaghra (Tháp B), mái cong hình thuyền vươn cao, nằm trong vùng tường bao và ở phía trước bên phải của tháp chính theo hướng Đông, mặt bằng tháp hình chữ nhật, bên trong có tường ngăn chia thành nhà kho và bếp. Tháp có 2 tầng, 3 cửa với diện tích 47,2 m2, trên độ cao nền 1,14 m. Cũng như Tháp Ka lan, Tháp hỏa cũng có các nét trang trí hoa văn kiến trúc giống tháp chính. Tháp hỏa là bếp lửa của nhà vua Po KlongGarai.

Tháp hỏa

Tháp cổng Gopura (Tháp C), về cơ bản, kiến trúc giống tháp Ka lan nhưng nhỏ hơn, có hai cửa thông nhau và có 3 tầng với tổng diện tích 36 m2, trên độ cao nền 1,08 m, đây là nơi đón tiếp khách của nhà vua.

Tháp cổng

Khu sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp chính, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm, có tổng diện tích 65 m2, cao hơn nền sân chính là 0,9 m.

Sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp hỏa, tháp chính, cao hơn nền sân là 0,9 m

Hệ thống tường bao xung quanh khu tháp phía trong cao 0,4m, phía ngoài cao 1,92m so với nền trong và nền ngoài. Bề rộng tối đa của tường là 0,56m. Bốn góc tường bao là 4 trụ lớn hình chóp vuông có chiều rộng là 1,9m, chiều cao 4,2m nhìn từ phía ngoài.

Toàn bộ khu tháp có 2 hệ thống bậc lên xuống được xây bằng gạch tạo thành 2 đường ra vào tham quan có chiều rộng là 1,2m, mặt bậc rộng 0,25m.

Về mặt xây dựng, các thân tháp được xây thành 2 lớp, lớp lõi và lớp vỏ. Gạch xây Tháp là loại gạch phục chế, được sản xuất với quy trình riêng. Nguyên liệu chế tạo gạch từ đất sét được lọc luyện kỹ, nghiền mịn, loại bỏ những hạt cộm loại kích thước quá lớn, hàm lượng các khoảng liên kết cao để gạch nung có độ mịn và độ bền cao sau khi nung. Gạch có độ xốp cao nhưng kích thước, lỗ rỗng nhỏ và đồng đều để có khả năng thoát ẩm cao, trách tích tụ nước. Gạch không nung kỹ ở nhiệt độ cao như gạch thông thường mà nhiệt độ nhỏ hơn 950oC để độ cứng vừa phải đảm bảo khả năng chạm khắc. Quá trình nung đảm bảo khắt khe các yêu cầu để gạch có độ bền cao.

Quần thể tháp Chăm, Làng VHDL các DTVN nhìn từ trên cao

Tháp được xây bằng phương pháp mài chập với vật liệu kết dính chính là dầu thực vật (chiết từ cây dầu rái). Trước khi xây, gạch ra lò được tuyển chọn từng viên đảm bảo khi mài đạt mặt phẳng gần như tuyệt đối khi đặt trên mặt kính. Căn cứ vào bản vẽ tiến hành xếp 3 hàng gạch theo khối xây và được đánh số thứ tự từng viên đảm bảo khít mạch sau đó dỡ hai hàng gạch dưới chuyển đến địa điểm tập kết xây tháp. Do đó, quá trình xây dựng phải tiến hành gián đoạn, không thể liên tục như xây dựng thông thường. Xây lớp vỏ trước, rồi đến phần lõi tường. Cứ xây một hàng lớp vỏ chờ khô rồi mới xây phần lõi. Sau đó lớp lõi khô mới xây phần vỏ tiếp theo và việc xây dựng này chỉ có thể triển khai trong điều kiện thời tiết hoàn toàn khô ráo.

Quần thể tháp Chăm là công trình quan trọng nhất trong tổng thể của Khu các làng dân tộc III. Đây chính là biểu tượng của nền văn hoá, tôn giáo của dân tộc Chăm. Nằm trên điểm có cao độ lớn nhất của khu làng, khu tháp Chăm là điểm nhấn của trục chính khu làng, giữ vai trò quan trọng trong không gian kiến trúc chính, là điểm đến yêu thích của đông đảo đại biểu, du khách đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 H.Huyền