Điệu múa gáo dừa của dân tộc Khmer

Dân tộc Khmer có một di sản văn hóa độc đáo là các điệu múa. Nghệ thuật múa của người Khmer hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, những giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mĩ của cộng đồng. Múa đã trở thành nét đẹp văn hóa, “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer.

Dân tộc Khmer có nhiều loại hình ca vũ độc đáo, từ điệu múa trống Xà zăm, múa vui Krap, múa Chằng khum- rông, múa chim công… đến các điệu hát A-yay trữ tình, hát đối đáp Prop-kay, Chằm riêng-chàpay, ca đàn kể truyện cổ, và vươn tới những hình thức sân khấu hoàn chỉnh như kịch múa Rô băm và kịch hát Dù kê. Trong đó, múa gáo dừa là điệu múa dân gian truyền thống của dân tộc Khmer nên hầu hết đồng bào Khmer đều biết múa điệu này. 

Với chiếc gáo dừa bình dị, cùng với tiết tấu nhạc nhịp nhàng, các chàng trai, cô gái Khmer cùng nhau vui múa. Điệu múa khá đơn giản, trên mỗi tay người múa cầm một chiếc gáo dừa nhỏ xinh, họ quây thành vòng tròn, rồi tản ra thành hàng ngang, hàng dọc, kết hợp tay chân nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển… rồi từng đôi nam nữ múa cùng nhau, miệng mỉm cười, mắt đưa tình lúng liếng… Đây là điệu múa giúp con người khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Du khách đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) như bị cuốn hút vào các động tác múa, thả hồn theo tiếng nhạc du dương và cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thư thái. 

Phạm Hương (TH)