Chương trình giao lưu dân ca dân vũ “Xuân về trên tháp cổ” của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận

(LVH) - Về tham gia Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024 từ 24-25/2, đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện Chương trình giao lưu dân ca dân vũ “Xuân về trên tháp cổ” tại không gian quần thể tháp Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Đồng bào Chăm trình diễn tiết mục múa hát "Mùa Xuân về bên tháp cổ"

Tại Ngày hội, đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã mang đến cho du khách tham quan không khí đầu xuân vui tươi, phấn khởi, du khách được thưởng thức điệu múa Apsara uyển chuyển, du dương đến tiếng Kèn Saranai réo rắt, tiếng trống Ghi năng vang rội cùng những bài hát về tình yêu quê hương, đất nước, tất cả sẽ tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc trong mỗi con tim.

Hòa tấu nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm

Nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm rất phong phú và đa dạng, đó là nhân tố quan trọng tạo nên phần hồn trong các lễ hội, tín ngưỡng dân gian và trong sinh hoạt cộng đồng của người Chăm cũng là phương tiện biểu diển nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh.

 Vũ điệu đất nung của đồng bào Chăm

Nhạc cụ của người Chăm bao gồm: Bộ gõ, bộ hơi, bộ dây và một số nhạc cụ khác. Theo quan điểm của người Chăm ba loại nhạc cụ chủ đạo chính bao gồm: Kèn Saranai, Trống Paranưng, Trống Ghi năng. Ba loại nhạc cụ này tượng trưng cho Trời, Đất và con Người nên luôn được diễn tấu song song với nhau thể hiện sự dung hòa (Thiên - Địa - Nhân).

Đồng bào Chăm trình diễn bài hát “Lời hẹn đêm trăng” do Nhạc sĩ Hán Văn Trà (dân tộc Chăm) sáng tác

Các điệu trống của người Chăm gồm 72 bài trong đó có 69 bài đã nằm trong các nghi lễ.

Tiếng trống Paranưng, kèn Saranai, trống Ghi năng và các điệu múa trên đền tháp của đồng bào Chăm lôi cuốn du khách tham quan 

Đông đảo du khách tham quan tại Chương trình giao lưu dân ca dân vũ “Xuân về trên tháp cổ” của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận

Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp này, du khách tham quan được hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống kết hợp với những vũ điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng, những giá trị văn hóa đắc sắc đó đã và đang được đồng bào Chăm bảo tồn, gìn giữ, phát huy, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Chăm nói riêng và văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024 tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương