Trích đoạn Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Chiều 20/4, đồng bào dân tộc Thổ đến từ huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa về tham gia sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2025 đã tổ chức tái hiện trích đoạn Lễ mừng cơm mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Trong các nghi lễ nông nghiệp, Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng và linh thiêng nhất của người Thổ. Lễ mừng cơm mới được tổ chức một năm hai lần vào tháng 5 và tháng 10, nhằm thể hiện lòng thành kính tri ân đến thần linh, tổ tiên đã có công khai phá đất đai, phù hộ con cháu làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Đồng bào dân tộc Thổ chuẩn bị mâm lễ cho Lễ cúng mừng cơm mới
Trong Lễ mừng cơm mới, thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ, là người kết nối giữa gia chủ với tổ tiên và các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho gia đình một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ sau lại được mùa. Đây cũng là dịp cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng tộc, cộng đồng, đồng thời, bày tỏ khát vọng, mơ ước về cuộc sống bình yên, sung túc.
Đồng bào di chuyển mâm lễ vào khu vực diễn ra lễ cúng trước không gian nhà dân tộc Thổ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Khi lúa chín ngả mầu vàng óng trên các vạt nương, trước khi gặt một ngày, chủ nhà lên rẫy chọn một đám lúa đẹp nhất, ngắt 3-5 bông lúa mang về treo ở cạnh bàn thờ gia tiên hoặc một nơi nào đó cao ráo sạch sẽ nhất trong nhà để hồn lúa trú ngụ, vụ sau tiếp tục gieo trồng. Sau nghi thức này mọi người mới được ra đồng gặt lúa. Khi gặt lúa về các gia đình phơi khô và làm Lễ mừng cơm mới.
Thầy Mo và mọi người ngồi quây quần chuẩn bị tiến hành lễ cúng
Từng gia đình chủ động mời thầy Mo và chuẩn bị 2 mâm lễ cúng, 1 mâm cúng thần linh, thổ địa và 1 mâm cúng gia tiên theo hướng dẫn của thầy Mo.
Mâm cúng thần linh, thổ địa là mâm cúng chay gồm có hoa quả, bánh kẹo, trầu, cau, rượu, muối, gạo, keo (là 2 thanh nứa)… Mâm cỗ cúng gia tiên gồm: xôi, gà, rượu, bát nước giếng hoặc nước mưa, đinh tiền, đinh vàng, bát cơm mới, đĩa cá, trầu, cau,...
Thầy Mo đọc lời cầu khấn thần linh, tổ tiên về mừng cơm mới
Sau khi thầy Mo chọn được ngày lành tháng tốt sẽ thông báo với gia đình, gia đình sẽ chuẩn bị mọi việc và mời mọi người trong dòng họ, anh em, bạn bè đến dự Lễ mừng cơm mới.

Mọi người vui mừng khi thầy Mo gieo quẻ và được thần linh, tổ tiên chấp thuận
Khi mâm cúng đã sắp đầy đủ, thầy Mo sẽ thực hiện nghi thức cúng thổ công, thần linh trước, rồi cúng gia tiên. Thay mặt cho gia đình, thầy Mo áo mũ chỉnh tề thắp hương rồi khấn trước mâm cúng thần linh, thổ địa.
Thầy Mo thực hiện rải muối, gạo
Sau khi khấn thần linh, thổ địa xong, thầy Mo sẽ tung keo (là 2 thanh nứa), để biết thần linh có chấp thuận lễ vật và lòng thành hay không, thầy Mo cầm trên tay một cặp thanh nứa khắc hai vạch, vật linh thiêng của thầy Mo, thường được truyền từ đời này sang đời khác chứ không làm mới, cứ sau mỗi lần khấn là lại xin/gieo quẻ thả xuống mặt chiếu 1 lần. Xin được rồi thầy Mo sẽ hô lớn báo hiệu với con cháu, kết thúc phần cúng thần linh thì thầy Mo sẽ đứng dậy vãi muối gạo ra không chung…Sau đó chuyển sang phần cúng gia tiên.
Sau phần lễ, tiếng Chiêng, trống vang lên rộn rã, đoàn người bước vào hội với những làn điệu dân ca hát đập lúa, giã gạo, giã cốm, hát ru, hát chậm đò ho...
Thầy Mo đọc bài khấn tổ tiên, nội dung bài khấn kể về quá trình sinh tồn của con người, khai phá đất đai để con cháu lao động sản xuất, làm ra hạt gạo dâng lên tổ tiên, cảm ơn tổ tiên đã có công khai phá đất đai, ngầm phù giúp cho con cháu chân cứng, đá mềm, làm ăn thuận lợi. Khấn xong, thầy Mo thay mặt gia đình có lời mời thần linh, tổ tiên uống rượu và phù hộ cho con cháu.
giới thiệu các trò diễn như đẩy gậy, kéo co...
Kết thúc nghi lễ, đã đến lúc tổ tiên phải trở về nơi trị vì của mình. Để thể hiện lòng tôn kính với các đấng thần linh, tổ tiên, thầy Mo tiếp tục thực hiện bước khấn cuối cùng. Lúc này, thầy Mo và con cháu đều cúi lạy thành kính tiễn tổ tiên, thần linh về nơi trú ngụ của mình.
...đã tạo không khí rộn ràng, tưng bừng
Kết thúc phần lễ là phần hội, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức các món ăn từ gạo mới, thịt lợn, thịt gà, cá, các loại bánh và uống rượu cần. Tiếng Chiêng, trống vang lên, tiếng kẹp nẹp, boong bù rộn rã, đoàn người bước vào hội: Tiếng cồng vào hội, hát đập lúa, giã gạo, giã cốm, hát ru, hát chậm đò ho; các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, bắn nỏ, đánh cồng chiêng; các làn điệu dân ca đu đu điềng điềng, tập tính tập tang, dạ ơi… cũng được tổ chức, tạo nên không khí vui tươi, tưng bừng gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và du khách tham quan vừa theo dõi phần lễ, vừa hòa vào không gian phần hội sôi nổi của đồng bào dân tộc Thổ
Lễ mừng cơm mới là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, một bức tranh đa sắc màu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thổ xứ Thanh, chứa nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở con cháu không quên ơn nguồn cội, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Hải Yến