Lễ Kiết giới - Sây ma của đồng bào Khmer tại "Ngôi nhà chung"

(LVH) - Khi ngôi chánh điện Khmer được xây dựng xong thì đồng bào Khmer tổ chức Lễ Kiết giới - Sây ma (lễ khánh thành - an vị phật) và đây là lễ đặc biệt quan trọng, mang tính chất hợp thức hóa về mặt nghi thức đối với ngôi chánh điện. Theo đó, ngày 23/11/2013, Lễ Kiết giới - Sây ma được thực hiện tại quần thể chùa Khmer, một quần thể mới xây dựng và hoàn thiện đúng dịp chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức tại  Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ Kết giới - Sây ma diễn ra trong khu vực quần thể chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với hai nội dung chính: nghi lễ và hội biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Khmer. Trong đó, phần nghi lễ bao gồm lễ rước trụ đá vào chánh điện (Haproteksin), Lễ an vị tượng Phật (puth the physek), Lễ Kiết giới (Sây ma Sammatehkam), dâng cơm các vị sư. Phần hội là phần vui biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Khmer, giao lưu với đồng bào các dân tộc khác và du khách.

Ngay từ sớm, bên trong chánh điện đã được chuẩn bị sẵn sàng

Trước ngày vào lễ, không gian cảnh quan chánh điện được dọn dẹp sạch sẽ và được trang hoàn lộng lẫy. Cờ hoa phật giáo, cờ lễ hội, phướn, được bày trí đẹp, mang màu sắc lễ hội. Trong lòng chánh điện, đã đào sẵn các hố Sâyma để đặt các trụ đá. Các trụ đá đã được chọn trước theo quy định của nhà Phật. Cùng với việc đặt từng trụ đá xuống từng hố, các thiện nam, tín nữ đi dự lễ sẽ bỏ vào trong hố này một vật tượng trưng cho mơ ước của mình, ai muốn giàu có thì nguyện ước và bỏ vào hố tiền bạc, muốn đẹp thì bỏ vào gương, lược, phấn, son; muốn học giỏi thì bỏ vào bút viết, sách…
Về mặt nghi thức, đầu tiên, ở ngoài chánh điện, ông Achar cột từng trụ đá vào giữa từng cây tre để thuận lợi cho hai người khiêng, cứ hai người khiêng một trụ đá, bắt đầu từ cổng chánh điện, đi vòng ngoài chánh điện đủ ba vòng thì đoàn người rước trụ đá vào trong chánh điện và đặt trụ đá gác lên hố Sâyma. Đoàn rước đi theo thứ tự đội trống Chhayam đi trước tiếp đến là các vị sư, ông achar, người khiêng trụ đá, các phật tử cầm lẵng hoa tươi, hoa lá xếp và mọi người...
Sau đó, các vị sư sẽ ngồi trước Phật điện tụng kinh, phật tử ngồi lạy để an vị tượng Phật. Sau khi kết thúc lễ an vị tượng Phật, các vị sư đọc kinh Kiết giới, Achar thực hiện các lễ thức thắp nhang, đèn nến trên bàn thờ phật, hố Sây ma rồi đánh ba tiếng cồng và mọi người cùng đặt các trụ đá xuống hố, thả vật nguyện ước rồi lấp đất lại.
Nghi thức cuối cùng của Lễ Kiết giới là dâng cơm các vị sư. Các vị sư sẽ độ cơm và tụng kinh, kết thúc lễ.
Phần vui hội với các tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Khmer ngay tại không gian chùa góp cho buổi lễ thêm phần long trọng, tạo nên không khí đoàn kết, vui tươi, giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa đồng bào Khmer với các cộng đồng dân tộc khác và du khách tại Ngôi nhà chung.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Các nhà sư tới ngôi chánh điện từ rất sớm...

Không gian chùa, quanh chùa được quét dọn sạch sẽ

Các trụ đá và "lá" sây ma chuẩn bị cho Lễ

Các trụ đá đã được bọc lại bằng vải, đặt trước cổng chánh điện

Các nhà sư bắt đầu thực hiện nghi lễ

Rước trụ đá vào chánh điện...

Đoàn thực hiện nghi thức đi vòng quanh chánh điện

Phật tử cầm hoa tươi đi theo đoàn rước trụ đá quanh chánh điện

Các vị sư an tọa và tụng kinh trước Phật điện, bên trong Chánh điện

Sau khi trụ đá được đặt xuống hố, các phật tử vừa cầu nguyện và gửi cầu nguyện của mình xuống hố và lấp hố lại

Sau Lễ Kiết giới - Sây ma, ngôi chánh điện Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành ngôi chánh điện thiêng liêng của đồng bào Khmer tại thủ đô Hà Nội

Hoàng Huyền (Ảnh: H.Huyền - P. Hương - N.Hoa)