Tái hiện Lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru tại “Làng”

(LVH) - Ngày 17/02/2014, tại không gian nhà dân tộc Chu Ru, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ hội bắt chồng, một nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Chu Ru tỉnh Lâm Đồng.

Dân tộc Chu Ru ở vùng Tây nguyên theo chế độ mẫu hệ, con gái làm chủ gia đình, con trai phải đi ở rể. Việc đi hỏi chồng với chi phí khá tốn kém cho nhà gái, vì vậy, người Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng có tục “bắt’’ chồng khá độc đáo.

Cũng có thể, cô gái chưa biết rõ thông tin về người chồng tương lai và dò ý nhà trai trước để chuẩn bị cho buổi bắt chồng thông qua bà mối. Theo truyền thống, Lễ hội bắt chồng diễn ra qua 4 nghi lễ: Nau Rwang (dạm); Nautơnia (hỏi); Bơng Khiang gơu (cưới) và Nau choă (thăm nhà).

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, đồng bào dân tộc Chu Ru tỉnh Lâm đồng đã phục dựng trích đoạn Lễ hội bắt chồng với nghi lễ Nautơnia (hỏi).

Đại diện nhà gái mang lễ vật sang nhà trai

Nhà gái chuẩn bị lễ vật gồm: Nhẫn (crí), xâu chuỗi cườm (annhũ), khăn (bơi), trầu, cau… sang nhà trai dâng lễ và hỏi cưới chàng trai. Sau khi trao đổi giữa đại diện nhà trai và nhà gái, cả hai bên thuận tình, đại diện nhà gái sẽ trao nhẫn cho chàng trai và cô gái cùng các lễ vật đã chuẩn bị sẵn cho nhà trai. Từ giây phút này, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng.

Sau đó, đại diện hai họ quấn một tấm khăn trắng cho cặp vợ chồng trẻ. Tấm khăn trong văn hóa của người Chu Ru mang ý nghĩa rất lớn, tượng trưng cho sự êm ấm, hạnh phúc lâu bền của cặp vợ chồng.

Nhà gái trao nhẫn cho chú rể 

Cha chú rể đưa cho con một cây liềm (để chém ma tà cản trở) rồi cặp vợ chồng bước vào phòng chú rể, cùng nhau ăn trầu, hút tẩu thuốc trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình. Lúc này đại diện nhà trai sẽ tuyên bố ngày giờ rước rể cho nghi lễ Bơng Khiang gơu (cưới).

Hai người cứ ngồi trong phòng đợi người lớn bàn tính chuyện tương lai, đến khoảng 1-2 giờ sáng thì nhà gái xin đưa chú rể cùng cô dâu qua nhà mình ngay trong đêm. Đêm này được coi là “đêm thiêng’’, vợ chồng sẽ ghi nhớ suốt đời.

Kết thúc lễ Nautơnia (hỏi), hai gia đình và khách mời ăn uống vui vẻ, múa hát và đấu chiêng mừng ngày vui của cô dâu, chú rể.
Màn đấu chiêng cũng là một phần không thể thiếu trong lễ cưới. Qua phần đấu chiêng này, những mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua, cùng chung vui cho đôi trẻ.

Hai gia đình chung vui cùng cô dâu và chú rể

Lễ hội bắt chồng cho đến nay vẫn được người Chu Ru duy trì. Đồng bào cho rằng nếu tổ chức đám cưới đàng hoàng theo đúng nghi lễ thì rất tốn kém. Nhiều gia đình cưới chồng cho con xong thì mang nợ nần chồng chất. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ không thể trọn vẹn.

Thông qua nghi lễ Nautơnia (hỏi) trong Lễ hội bắt chồng, một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Chu Ru đã được chính chủ thể dân tộc giới thiệu ngay tại Hà Nội, thu hút sự tham dự của đông đảo du khách.

Đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN, Trưởng Ban Tổ chức
tiếp nhận hiện vật hiếng tặng của đồng bào Chu Ru

Cũng trong buổi lễ này, cộng đồng dân tộc Chu Ru đã hiến tặng các vật dụng bằng gốm cho Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động "Hiến tặng đồ dùng, vật dụng, hiện vật, tài liệu về văn hoá dân tộc góp phần hoàn thiện không gian văn hoá tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam".

Sau đây là một số hình ảnh:

Lễ vật chuẩn bị của nhà gái

  

Đoàn nhà gái  gặp mặt và trao đổi với gia đình nhà trai

Nhà gái trao lễ vật cho chú rể.

  Cô dâu và chú rể cùng uống rượu mừng

  Cặp vợ chồng trẻ choàng tấm khăn trắng, tượng trưng cho hạnh phúc lâu bền

 

  

Du khách và phóng viên báo chí tham dự Lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru

Đào Loan