Tết Xíp Xí của người Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Chiều ngày 21/11/2014, trong khuôn khổ các hoạt động Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Sơn La đã tái hiện Tết Xíp Xí tại không gian nhà dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tết “Xíp xí” của người Thái được tổ chức trong 1 ngày duy nhất, thậm chí là một bữa duy nhất vào trưa ngày 14/7 âm lịch hàng năm, một phong tục giống như lễ rằm tháng 7 âm lịch của người Kinh.
Theo quan niệm của người Thái trắng ở Sơn La, Tết “Xíp xí” là ngày con cháu hướng về tổ tiên. Đồng thời, là dịp người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ. Vì vậy, ở nhiều nơi, đồng bào còn gọi “Xíp xí” là Tết trẻ con. Vào ngày này, trẻ em được ông bà, cha mẹ may cho những bộ quần áo rực rỡ sắc màu để mặc đi chơi Tết.
 |
Chuẩn bị mâm cúng tổ tiên với đầy đủ rượu, thịt, bánh, ...
|
Trong ngày tết này, luôn có mâm lễ vật thờ hồn vía để cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật. Ðồ vật cúng gồm: thịt, rượu, "khẩu cắm" (cơm nếp nhuộm màu), bánh chưng gù. Tết Xíp Xí thường không thể thiếu "nhớ tu pết" (thịt vịt), vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, đời sống sản xuất của con người. Xíp Xí cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước.
Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ. Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi, người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh. Với người Thái trắng, “Xíp xí” cũng là dịp đồng bào thể hiện lòng mến khách của mình. Khách thân quen được mời từ trước đó mấy ngày. Khách lạ cũng như khách quen đến nhà đều được đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn đặc trưng chỉ có trong ngày Tết “Xíp xí” như: cá suối nướng, rêu đá, xôi tím...
Ăn uống trong gia đình, người ta trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm tế nhị, chúc tụng cởi mở. Vui chơi ca hát "khắp chúc muôn" (hát chúc mừng), "khắp khoắm son cún" (hát dạy làm người), "khắp long te" (hát bè trên sông), "khắp báo sao" (hát trao duyên), hát lúc ăn uống, lúc thăm nhau. Ngày hôm đó, con trẻ sẽ được đi vui chơi với nhau thỏa thích đến tận khi trăng lên.
Tết Xíp Xí góp phần hình thành và củng cố sự gắn kết cộng đồng, thống nhất giữa các thành viên trong cộng đồng và gia đình, đồng thời, có vai trò trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua Tết Xíp Xí các yếu tố về văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo lưu và kế thừa giúp các thế hệ sau hiểu được về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
 |
Bà mo làm lễ cúng tổ tiên
|
Trong khi bà mo làm lễ, các thành viên khác vẫn chuẩn bị đồ để mời khách.
Các chương trình giao lưu văn nghệ:



Ảnh: Thanh Hà (TTXVN)

Các đồng bào khác cùng du khách đến tham dự, chung vui Tết Xíp xí với đồng bào Thái. Ảnh: Thanh Hà (TTXVN)
|
Ánh Ngọc