Tái hiện lễ hội A Za Koonh (cầu mùa) của dân tộc Tà Ôi
(LVH) - Theo đó, sáng nay, 17/11/2015, đồng bào Tà Ôi đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tái hiện lễ hội A Za Koonh (cầu mùa) tại làng Tà Ôi, Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là lễ hội truyền thống, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của đồng bào đến các vị thần linh, ơn mẹ lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác và đây cũng là ngày hội vui tươi nhộn nhịp của đồng bào sau một mùa nương rẫy.
Trong nếp sinh hoạt của đồng bào Tà Ôi, sau khi kết thúc một mùa nương rẫy, đồng bào lại háo hức chuẩn bị gạo nếp, những đồ ăn thức uống ngon nhất, trang phục đẹp nhất để tổ chức một mùa lễ hội gọi là Ycha Aza, tức là lễ ăn cơm mới, hay còn gọi là cầu mùa. Năm nào cả làng được mùa lớn thì đồng bào tổ chức lễ vào tháng 1 âm lịch, có nghi lễ đâm trâu với lượng khách lớn, có đông đảo con cháu trong làng và các già làng trưởng họ, bạn bè các làng kết nghĩa tới dự, lễ này, đồng bào gọi là A za Koonh, hay A za Pựt (quy mô lớn). Năm nào không được mùa, đồng bào sẽ tổ chức A za Kăn (quy mô nhỏ), thường vào giữa tháng 11 âm lịch, không có nghi lễ đâm trâu, lượng khách tham gia ít, chủ yếu là con cháu trong gia đình, làng bản.
 |
Già làng thực hiện lễ cúng A za koonh
|
Với hai phần: phần lễ và phần hội, lễ Aza Koonh được tổ chức bên trong nhà Ron (nhà cộng đồng của họ tộc). Lễ vật chuẩn bị gồm: gà, rượu mía, rượu cần, bánh,… các loại giống cây trồng, vải thổ cẩm truyền thống của đồng bào.
Trong phần lễ, già làng cùng các trưởng họ sẽ làm các nghi lễ trước khi cúng Aza chính thức. Đó là các nghi lễ: tẩy rửa (axa arah), giao ước (ta nơm), nghi lễ mời mẹ lúa (ka coong tro), chuẩn bị (cha chọt), nghi lễ báo cáo thần nhà cửa (Dàng Đung).
Đầu tiên là nghi lễ tẩy rửa (axa arah). Đây là lễ rất quan trọng không thể thiếu được trong lễ hội của đồng bào. Nghi lễ này mang ý nghĩa như một dòng nước linh nghiệm để rửa sạch mọi tội lỗi, nhơ bẩn do con cháu gây nên, cho bản làng được trong sạch để các Giàng vui lòng xuống dự hội.
Tiếp đến, là nghi lễ giao ước (ta nơm), với lễ vật là 1 ché rượu cần, để định ước 1 tháng sau sẽ tổ chức lễ hội A za cầu mong các Giàng phù hộ để tổ chức A Za thành công tốt đẹp. Bước thứ ba là nghi lễ mời mẹ lúa (ka coong tro). Đây là phần lễ chính của phần lễ A Za, mời mẹ lúa vào nhà chính dự lễ hội cùng các loại giống cây trồng khác. Mẹ lúa được đồng bào rất coi trọng, đeo cho các loại trang sức quý như: cườm, hạt mã não.
Sau đó, già làng và các trưởng họ làm lễ chuẩn bị (cha chọt), báo cho các vị Giàng biết là con cháu trong làng sẽ lên rừng, xuống suối tìm kiếm các món ngon vật lạ cho lễ hội A Za, mong các Giàng phù hộ cho con cháu sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong thời gian chuẩn bị. Sau khi hoàn thành các nghi lễ trên, già làng sẽ thực hiện nghi lễ báo cáo cho Dàng Đung (thần nhà cửa) để tiến hành lễ cúng A Za chính thức.
Với 8 bước tiến hành, lễ cúng A Za chính thức bắt đầu bằng lễ cúng các vị giống cây trồng (cúng A Za), đây là nghi lễ tạ ơn mẹ lúa và các vị giống ngô, chuối, khoai, sắn… đã ban cho mùa màng bội thu, nuôi sống con cháu làng bản lớn khôn, khỏe mạnh.
Tiếp đến, già làng làm lễ cúng Giàng Pa nuôn, tức cúng vị thần chở che khi đi đồng bào đi buôn bán, lễ cúng này mang ý nghĩa tạ ơn và cầu mong năm tới việc đi buôn của đồng bào được suôn sẻ, may mắn.
Bước thứ ba, là lễ cúng Giàng Cợt, tức là cúng vị thần quản lý con người, với một mâm cỗ đủ đầy dâng kính Giàng Cợt các món ngon vật lạ, đồng bào tạ ơn công đức Giàng Cợt ban tặng mạng người, sức khỏe, trường thọ, đồng thời cầu xin Giàng Cợt ban tặng con cái, cháu chắt và che chở khỏi ốm đau bệnh tật, không vô sinh để làng bản vui vẻ, hạnh phúc.
Bước thứ tư, già làng cúng Giàng xứ, tức là cúng các giàng: sông, suối, mây, gió, núi, lửa, đất, đường xá…
Bước thứ năm là lễ cúng Giàng Ku muuiq, tức là cúng những người đã khuất. Bước thứ sáu là lễ cúng Giàng A zel, là cúng các vị thần trên trời, dưới đất để tạ ơn, cầu mong các vị thần phù hộ năm tới con cháu sinh ra khỏe mạnh hơn, làng bản no đủ hơn.
Bước thứ bảy là lễ ăn cơm mới (cha dooi ârbeh), mọi người trong gia đình, làng bản sẽ ăn cơm mới và mâm cỗ. Lễ này, chỉ dành cho con cháu, gia đình, làng bản. Sau lễ ăn cơm mới.
Bước cuối cùng là lễ giao mâm cỗ, là lễ do già làng thực hiện giao mâm cỗ đã được chuẩn bị sẵn cho các vị khách quý được mời đến dự lễ hội. Lễ giao nhận xong, các vị khách được mời chung vui các mâm cỗ, cùng nhau hát hò, nhảy múa chúc tụng mừng lễ hội A Za.
Sau khi kết thúc phần lễ, mọi người trở về nhà để chuẩn bị tiếp đón khách. Già làng cũng các trưởng họ sẽ đi đến từng gia đình để hỏi thăm chúc tụng, cùng nhau hát hò, nhảy múa bằng điệu múa A za, Poon, Eo… và cùng đối đáp nhau bằng dân ca Kâr lơợi, Taarr a, Cha chấp, Xiềng… cùng nhịp trống, tiếng chiêng ấm áp tình người.
 |
Phần hội của lễ hội a za koonh của đồng bào Tà Ôi có đông đảo nhân dân, du khách, một số cộng đồng dân tộc khác đến dự và chung vui
|
Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hội A Za Koonh mang đến cho nhân dân, du khách những nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào Tà Ôi, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo trong dòng chảy văn hóa các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”.
H.Huyền - Hải Yến