Tái hiện lễ đón dâu trong đám cưới truyền thống của người Sán Chay
(LVH) - Sáng nay, 19/11/2015, đồng bào dân tộc Sán Chay đến từ tỉnh Bắc Giang đã tái hiện lễ đón dâu trong đám cưới truyền thống của đồng bào tại làng dân tộc Sán Chay, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam", tổ chức tại "Làng" từ 15/11-23/11/2015.
Theo quan niệm của người Sán Chay, đã thành truyền thống, cứ tới tiết Sương Giáng, khoảng tháng 9 đến tháng 2 âm lịch hàng năm, sau khi mọi thủ tục thách cưới, ăn hỏi đã xong, hai họ của đôi uyên ương trong cộng đồng dân tộc Sán Chay sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới. Trong lễ cưới có lễ đón dâu, một trong những lễ thức quan trọng, thể hiện nét văn hóa riêng rất độc đáo và giàu bản sắc dân tộc của đồng bào Sán Chay.
 |
Đoàn nhà trai đến nhà gái xin đón dâu
|
Đúng ngày lành tháng tốt, nhà trai cử ông mối cùng với chú rể và 2 người nữ phù rể mang lễ vật cưới sang nhà gái để xin đón dâu. Khi nhà trai đến, đại diện nhà gái ra mời đoàn vào nhà. Trong nhà, đại diện nhà trai đưa lễ vật cưới cho nhà gái.
 |
Đại diện nhà trai trao lễ vật cưới cho nhà gái
|
Nhà gái nhận lễ xong thì làm lễ cúng tổ tiên. Cô dâu, chú rể thắp nhang cùng vái lạy tổ tiên.
 |
Cô dâu chú rể thắp nhang cùng vái lạy tổ tiên
|
Tiếp đó, nhà gái chọn một người cao tuổi có uy tín lấy một dải khăn đen trải từ phòng cô dâu ra đến cửa, chú rể sẽ theo chiếc khăn đó đưa cô dâu đi ra đến cửa. Lúc này, ông mối phải lấy ô che cho cô dâu. Đi theo cô dâu có đại diện họ nhà gái và các cô phù dâu cùng lứa tuổi. Nhà gái trao lại của hồi môn cho nhà trai, gồm có chăn, màn, quần áo…
 |
Nhà trai nhận của hồi môn từ nhà gái và gánh về
|
Đưa cô dâu đến nhà trai, ông mối, chú rể, phù rể vào báo với họ hàng ra đón dâu vào trong nhà làm lễ. Họ nhà trai sẽ cử người ra mời trầu để tìm cô dâu. Khi nhà trai ra tìm dâu, các cô đi phù dâu của họ nhà gái phải tìm cách che giấu cô dâu. Cô dâu và các phù dâu đều phải giấu mặt. Nhà trai phải đi tìm hỏi và lật khăn từng người để tìm. Trong đám đông đi theo cô dâu, người nào không nhận trầu thì không phải là cô dâu. Người nào nhận trầu thì người đó chính là cô dâu. Sau khi cô dâu nhận trầu rồi thì mọi người nhận trầu. Lúc này, ông mối phải lấy mũ, hoặc ô che đầu cho cô dâu rồi đưa vào trong nhà làm lễ.
Cô dâu đi đến cửa, ông mối đứng giữa cửa đưa tay ngang vai, cô dâu phải chui qua để vào nhà, nghi thức này mang ngụ ý ông mối là người có công chắp duyên cho cô dâu.
Bên trong nhà, chính giữa là bàn thờ tổ tiên, họ nhà gái đứng một bên, họ nhà trai đứng một bên, lúc này, nhà trai đưa ra một đĩa và một cái sàng để nhà gái báo cáo nhà trai về của hồi môn. Đại diện nhà gái mang của hồi môn bày ra sàng để giao cho họ nhà trai. Tiếp đó, thầy cúng sẽ làm lễ kính cáo tổ tiên của nhà trai về việc lấy con dâu về và xin tổ tiên nhà trai chấp nhận. Cô dâu và chú rể sẽ đứng trước bàn thờ tổ tiên, thắp nhang cúng vái tổ tiên ba vái.
 |
Cô dâu đi mời trầu nhận họ hàng nhà trai và nhận lễ mừng chúc phúc của mọi người
|
Sau khi thực hiện xong nghi lễ, nhà trai và nhà gái đều ra ngoài, chú rể dẫn cô dâu đi nhận họ hàng nhà trai. Cô dâu tay cầm đĩa trầu đi mời và nhận lễ mừng chúc phúc của mọi người. Nhận đến ai người đó lại mừng chúc phúc cho cô dâu và chú rể. Cuối cùng, nhà trai mời nhà gái uống rượu và cùng hát đối đáp, hát đôi nam với đôi nữ mừng hạnh phúc của đôi uyên ương nên duyên mới.
H. Huyền - Thúy Nga