Làng dân tộc Sán Chay
Làng dân tộc Sán Chay thuộc Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng dân tộc Sán Chay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích 0,41ha, trong đó, diện tích xây dựng là 190,24m2, bao gồm 02 nhà sàn (người Sán Chay gọi là nhà trâu đực và nhà trâu cái - pv).
Không gian làng dân tộc Sán Chay tại Làng VHDL các DTVN
Ngôi nhà ở đặc trưng của dân tộc Sán Chay khá lạ về tổ chức không gian cũng như hình thức mặt bằng. Được coi là nhà điển hình của dân tộc Sán Chay, ngôi nhà sàn của người Sán Chay có mái lợp gianh hoặc lá tre, tường chắn xung quanh bằng tre, luồng đan với nhau. Người Sán Chay cho rằng ngôi nhà sàn nơi họ ở mang biểu tượng "trâu thần". Theo sự phân loại của người Cao Lan (một trong những nhóm Sán Chay) có hai kiểu nhà sàn là “nhà trâu đực” và “nhà trâu cái”. Tiêu chí để phân biệt hai kiểu nhà này chủ yếu dựa vào kết cấu của vì kèo. Nhà trâu đực là nhà phụ. Vì kèo nhà trâu đực thường chỉ có ba cột: một cột cái chống vào chỏm kèo và hai bên là hai cột con. Các cột trong vì kèo chỉ được liên kết với nhau bằng đôi kèo và dầm sàn. Tuy nhiên, để mở rộng lòng nhà, người ta còn thêm cột phụ thành vì kèo bốn hoặc năm cột. Còn hàng cột dọc cũng được liên kết giống như ở hàng cột dọc vì kèo nhà trâu cái. Nhà bốn mái có diện tích gần bằng nhau, lợp bằng cỏ tranh.
Làng dân tộc Sán Chay
Với nhà trâu cái, vì kèo có bốn cột. Các cột được liên kết với nhau bằng bộ kèo và dầm sàn không có xà ngang và câu đầu. Còn các vì kèo được liên kết với nhau nhờ các dầm dọc nhà. Bộ khung nhà của người Sán Chay đơn giản, nhưng vững chắc.
Cách bố trí mặt bằng nhà của người Sán Chay khá độc đáo, cách bố trí của nhà trâu đực và trâu cái giống nhau. Trước khi vào nhà phải qua một sàn thấp. Vào cửa chính nhìn thấy ngay một khu vực thuộc về phần nhà sau dành cho công việc nấu bếp. Gần bếp, ngay bên cạnh cột cái có một thúng cám để cắm hương thờ thần gia trạch. Hình thức này chỉ thấy ở người Sán Chay.
Qua khu vực dành cho bếp, về phía trước nhà là các phòng nhỏ được ngăn cách nhau bằng các tấm liếp đan thưa hoặc các tấm gỗ ghép lại, cao hơn đầu người một chút. Một phòng ở góc trái, sàn được nâng cao hơn mặt sàn chính khoảng 40cm thay giường dành cho khách hoặc cho chủ nhà khi nhà không có khách. Còn các phòng khác dành cho vợ chủ nhà, các con và mẹ chủ nhà, kho chứa lương thực. Trong nhà có các chỗ làm sàn cao để lương thực, thực phẩm như ngô, lạc... Mặt trước nhà có sàn lộ thiên. Sạp tre dưới nhà là nơi phơi thóc, gạo hay quần áo và cũng là nơi rửa chân tay trước khi vào nhà. Trên cửa chính có các lỗ nhỏ để có thể cắm các chắn song bằng gỗ. Mục đích của việc làm này là để ngăn ngừa thú dữ hoặc người xấu không thể vào trong ngôi nhà
Gầm sàn là nơi nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà… Riêng lợn được nhốt trong các ô nhỏ tuỳ theo từng loại (lợn thịt, lợn nái, lợn con) để tiện việc cho ăn theo các khẩu phần riêng.
TTD