Tái hiện Lễ hội cầu mùa và giới thiệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay tại “Làng”
(LVH) - Sáng nay, 16/4/2016, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), đồng bào Sán Chay đến từ huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã tái hiện Lễ hội cầu mùa và giới thiệu múa Tắc Xình của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay thường được diễn ra trước hoặc sau Tết Nguyên Đán hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn với nhiều nét văn hoá rất đặc trưng, độc đáo và truyền thống của đồng bào. Hình thức sinh hoạt văn hoá hấp dẫn nhất là các điệu múa Tắc Xình độc đáo cùng những điệu múa thăm đường, điệu múa lập làng, điệu múa hái lượm....
 |
Chủ lễ thực hiện nghi lễ cầu khấn thần linh cho mưa thuận gió hoà
|
Ngay từ sáng sớm, đồng bào đã thực hiện những công việc cần thiết như luộc bánh, đồ xôi; luộc thịt gà, thịt lợn, chuẩn bị đèn nến và các lễ vật khác. Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chủ lễ trong trang phục lễ tế bắt đầu hành lễ cầu xin cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc.
 |
Quang cảnh diễn ra Lễ hội cầu mùa và giới thiệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay
|
Khi tiếng trống được đánh liên tục là lúc chủ lễ xin âm dương, lễ làng được chấp thuận khi hồi trống dứt, kết thúc lễ cúng. Đây cũng là lúc diễn ra múa Tắc Xình thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp nên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động....
 |
Đồng bào thể hiện điệu múa Tắc Xình trong Lễ hội cầu mùa
|
Múa Tắc Xình tạo lên không khí hết sức sôi động, mô phỏng động tác lao động sản xuất trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào với mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ. Nét đặc sắc nhất ở đây là các nhạc cụ đều rất dân dã và độc đáo. Nhạc cụ chính của múa Tắc Xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa và các vật dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh sản ra điệu múa. Ngoài ra còn có các loại nhạc cụ bổ trợ gồm: trống đất; trống lớn, trống nhỏ, trống nứa, quả chuông, chiêng, chập xeng. Nhạc cụ hơi gồm: kèn tổ sâu làm bằng lá cây, kèn Pó lè.
 |
Điệu múa đánh mài dao
|
Âm nhạc cho múa Tắc Xình với tiết tấu đơn giản, chỉ lặp đi lặp lại các phách nhạc: Tắc - Tắc - Xình, Tắc - Tắc - Xình, Tắc - Xình. Các tiết tấu này được kết nối theo trật tự nhất định. Điều đó thể hiện rất rõ tính nguyên sơ không pha tạp đối với tiết tấu âm nhạc hiện đại.
Ngôn ngữ múa đơn giản, dễ học, dễ hiểu và dễ nhớ. Nhưng cũng có những động tác của múa Tắc Xình cũng rất bác học, đòi hỏi người múa phải khổ công rèn luyện mới thực hành được. Múa Tắc Xình trong Lễ hội cầu mùa gồm 9 điệu cơ bản như: Điệu thăm đường, điệu lập làng, điệu bắt quyết, điệu đánh mài dao, điệu phát nương dọn rẫy, điệu tra mố, điệu hái lượm, điệu mừng mùa vụ, điệu chim câu.
 |
Đồng bào Sán Chay trong điệu múa tra mố
|
Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay (Thái Nguyên) là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu nét phong tục tốt đẹp của người Sán Chay tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Sán Chay quảng bá những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình lưu giữ và truyền lại cho mai sau.
Phạm Hương - Đào Loan