Người Ba Na về mừng nhà mới tại "Ngôi nhà chung"

(LVH) - Đây là lễ hội truyền thống được chính chủ thể văn hóa đến từ Tở Tung, K' Bang, Gia Lai thực hiện vào sáng 21/8 nhằm giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc của mình cho du khách tham quan.

Theo truyền thống của người Ba Na, ngôi nhà vốn được dựng lên bằng các loại cây cối trên rừng- nơi trú ngụ của các vị thần nên luôn mang tính thiêng. Để ngôi nhà luôn là nơi che chở, bảo vệ cho các thành viên trong gia đình, sau khi hoàn thành nhà mới hay chuyển đến ở nơi mới, lễ mừng nhà mới là nghi lễ không thể thiếu.

Mặc dù ngôi nhà mà đồng bào đến ở, tham gia các hoạt động thường xuyên tại làng dân tộc Ba Na, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã xây dựng xong từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên nhóm 9 nghệ nhân đến từ tỉnh Gia Lai đến ở. Vì vậy, đồng bào đã tiến hành nghi thức này theo truyền thống của mình.

Chuẩn bị Chơ tại cổng làng

Từ sáng sớm, các lễ vật cúng yang trong lễ mừng nhà mới đã được nhóm nghệ nhân chuẩn sẵn: gà, thịt heo, rượu cần, ban thờ cúng, cột nêu...

Nghi thức cúng tại cổng làng

 Nghi thức được bắt đầu tại cổng làng, với bàn thờ nhỏ để cúng ma và nhằm báo tin yang, những người đã khuất và cho con cháu, bà con biết nhà mới đã được dựng. Bàn thờ là cây giang chẻ làm 4 ở phần ngọn, được gọi là "Chơ" với lễ vật gồm có hai phần, phần cỗ trên Chơ đang là để cúng Yang, cỗ phía dưới là cúng cho ma. Sau khi gia chủ đốt sáp (loại sáp đặc biệt, hầu như trong các lễ cúng của người Ba Na tỉnh Gia Lai đều phải sử dụng và do chính tay chủ nhà làm. Sáp được làm từ những đoạn dây chỉ màu trắng bó xoắn kiểu dây thừng và cho sáp ong nóng chảy ra bao lên), già làng sẽ cùng với gia chủ, thày cúng khấn yang, ma.

Nghi thức cúng tại sân chung của làng

Tiếp theo là nghi thức cúng tại sân chung. Khi sáp được già làng đốt, nghi thức cúng bắt đầu. Già làng sẽ khấn cầu yang, những người đã khuất... về chung vui với gia chủ, cầu mong ngôi nhà được che chở, mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn...với lời cúng có nội dung: “Bà con dân làng chúng tôi đã làm xong nhà mới, mời thần núi, thần sông, các thần về uống một chén rượu nghè, ăn một miếng để mừng nhà mới với chúng tôi”. Vừa cúng, già làng vừa lấy lòng gà mời ông bà tổ tiên, thần linh ăn uống trước.

Nghi thức cúng tại nhà 

Cuối cùng là nghi thức khấn ma trong nhà. Sau khi khấn Yang xong, già làng sẽ lấy ngọn sáp đặt xuống phía dưới cỗ cúng ma, một tay giữ cần rượu, tay kia nhúng vào chén huyết rồi lấy ngón tay cái bịt đầu cần rượu lại và lầm rầm đọc khấn. Khấn xong, già làng uống trước, hết một kàng mới đến chủ nhà. Trong nghi thức cúng trong nhà, không thể thiếu nghi thức bôi huyết con gà hiến tế lên sàn bếp, như sự đảm bảo tránh những rủi ro không may đến cho gia đình gia chủ.

Diễn tấu nhạc cụ truyền thống 

Lễ mừng nhà mới được chủ thể giới thiệu những nghi thức chính, đem đến cho du khách cái nhìn tổng thể về đời sống tâm linh của người Ba Na ở Gia Lai. Đây là 1 trong những hoạt động do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức thực hiện nhằm thu hút du khách đến với "Ngôi nhà chung" và cũng là thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Một số hình ảnh khác:

Nghi thức bôi tiết con vật hiến tế tại bếp

Phần hội với sự tham gia của du khách và các cộng đồng dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Ê Đê đang tham gia các hoạt động tại "Ngôi nhà chung"

Thu Loan