Đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer tại “Làng”

(LVH) - Ngày 16/4/2017, tại Quần thể chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đồng bào Khmer đã tổ chức ngày lễ chính của Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong không khí trang trọng, linh thiêng. Qua đó, giới thiệu tới du khách tham quan nét đặc sắc trong phong tục, tín ngưỡng Phật Giáo của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. 

Cùng với Tết cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer vẫn còn lưu giữ những phong tục Lễ, Tết độc đáo. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là “Mừng năm mới”. Ngoài ý nghĩa năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn, còn có ý nghĩa đặc biệt là dịp để bà con Phật tử thể hiện tấm lòng kính Phật với một đức tin bất di bất dịch, Đức Phật từ bi là trên hết  Đồng thời răn dạy con người về lòng hiếu thảo, sự kính trọng và biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Theo đó, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 14 - 16/4/2017) với sự tham dự của các vị sư Phật giáo Nam Tông;  Đại diện Lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Các Phật tử của Phật giáo Nam Tông; Đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng; phóng viên báo chí cùng đông đảo du khách thập phương. 

 

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây được tổ chức trang trọng tại Quần thể chùa Khmer, Làng VHDL các DTVN

Theo quan niệm truyền thống của đồng bào Khmer, ngày lễ chính của Tết Chôl Chnăm Thmây được gọi là ngày Lơng săk - ngày lễ tắm Phật. Trình tự lễ trong ngày lễ chính sẽ bắt đầu bằng việc Phật tử vân tập về chánh điện chùa Khmer, chuẩn bị đồ lễ, thức ăn, dâng nước, hoa, thắp nến và làm lễ dâng hoa cúng dường Đức Phật tại Phật điện. Các vị sư, chư tăng, Phật tử làm Lễ bái Tam Bảo, tụng kinh Tam Bảo, sám hối trước Đức Phật. Với đức tin sâu nơi Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo), Lễ bái Tam Bảo cầu mong sự tiến bộ, lợi ích, sự an vui lâu dài của mọi người và trong lễ, chư tăng sẽ ban phép 3 quy 5 giới, tụng kinh cầu an, kinh hộ trì tới gia quyến, ban nước phép cho Phật tử, ban Pháp bảo cho Phật tử.


Các nhà sư và Lãnh đạo BQL Làng VHDL các DTVN thực hiện nghi thức tắm Phật

Tiếp đó là nghi thức tắm Phật tại chánh điện. Theo quan niệm, nghi thức tắm Phật để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may mắn của năm cũ, bước sang năm mới mọi sự như ý. Các nhà sư sẽ dùng nước tinh khiết có ướp cánh hoa thơm ngát tắm cho Đức Phật, cùng với nghi thức đó, các nhà sư, chư tăng, phật tử thành tâm khấn nguyện cầu mong Đức Phật, chư thiên gia hộ cho mọi người được dồi dào sức khỏe, cuộc sống an lành, đạt được những điều ước nguyện.

 Các Phật tử thực hiện nghi lễ tắm Phật

 Sau lễ tắm Phật là lễ đặt bát cúng dường và dâng cúng tứ sự tới chư tăng tại sân sau chánh điện và Sa la. Phật tử dâng đặt bát các món ăn hoặc cúng dường tùy hỉ các vật dụng như: y cà sa, các đồ dùng thiết thực cho đời sống hàng ngày của sư, chư tăng... 

 

 Các Phật tử dâng lễ vật cúng dường Đức Phật

Cuối cùng, các vị sư thuyết pháp tại chánh điện, các phật tử tham gia lễ cầu siêu cho linh hồn của những người quá cố, là thân bằng quyến thuộc của phật tử đã quá vãng, hồi hướng, hoàn mãn cho các linh hồn sớm siêu sinh, tịnh lạc.

 

Các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn và chúc phúc cho các Phật tử

Kết thúc Lễ là phần hội với một số tiết mục dân ca, dân vũ đón Tết theo phong tục cổ truyền góp phần tôn vinh văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Khmer, đồng thời giao lưu đoàn kết giữa đại biểu, phật tử, đồng bào Khmer, du khách tham dự đón Tết. 

 Các nhà sư và Phật tử tụng kinh cầu an mừng năm mới trong Chánh điện chùa Khmer

Các hoạt động đón Tết Chôl Chnăm Thmây thể hiện được bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Qua đây, quảng bá, giới thiệu tới đại biểu, du khách trong và ngoài nước về nét đẹp lễ hội truyền thống, không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc Khmer (Nam Bộ) tại Quần thể chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, một công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh đặc sắc giữa lòng thủ đô Hà Nội, góp phần hưởng ứng các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) và tháng “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.

Phạm Hương