Tái hiện Lễ Bỏ mả của dân tộc tộc Raglai
(LVH) - Ngày 25/6/2017, cộng đồng dân tộc Raglai đến từ thôn Động Thông, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã tái hiện Lễ Bỏ mả của dân tộc mình. Đây là một trong những hoạt động chính được tổ chức trong Tháng 6 với chủ đề “Thiếu nhi với văn hóa truyền thống các dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đồng bào Raglai cho rằng chưa làm Lễ Bỏ mả là chưa cắt đứt mối quan hệ linh hồn giữa người chết với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian này, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất. Chỉ khi nào làm Lễ Bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của ông bà tổ tiên. Sau lễ cúng bỏ mả coi như hết tang, người chồng hoặc người vợ được người quá cố cho phép đi bước nữa để thực hiện cuộc sống tự do của mình. Lễ hội bỏ mả được coi là một lễ hội lớn của gia đình, cộng đồng, một ngày vui thực sự của người sống và của cả người chết.
|
Đồng bào Raglai chuẩn bị đồ để làm Lễ
|
Theo luật tục, Thầy cúng trong Lễ Bỏ mả phải có 3 người biểu thị cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân. Thầy cúng chính luôn đứng ở chính giữa hai người khác gọi là vị Yanuh jalat (người chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống… cho ma). Cây “gậy thần” (gai toah ) được làm từ ngày có người chết, đến bây giờ ông Yanuh jalat lại đem ra sử dụng. Lễ bỏ mả của người Raglai thường tổ chức vào khoảng tháng tư dương lịch, khi thời tiết vẫn còn tạnh ráo, có thể lên rừng, ra nhà mồ làm lễ cúng và di chuyển ngoài trời thuận tiện. Để chuẩn bị tổ chức lễ việc dựng mới nhà mồ có ka-go, gia đình phải nhờ nhiều người cùng lo liệu, nhiều việc. Trước tiên gia chủ phải chuẩn bị các thứ: một con trâu tơ không có tì vết, khỏe mạnh; ủ rượu cần; lên núi chở nhiều bó cây, lá chùm bầu và tre, nứa về để dựng rạp mả, dựng chòi cao để chứa các loại thịt. Rạp mả được dựng sát bên hông nhà chính. Rạp mả phải dựng sàn bằng nứa đập dập hoặc bằng nan tre đan, chỉ cao hơn mặt đất vài mươi phân, chung quanh và mái dừng, che bằng cây lá chùm bầu .
 |
Những lễ vật và vật dụng được dùng trong Lễ Bỏ mả
|
Những lễ vật và vật dụng được dùng trong lễ bỏ mả thường được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng gồm 03 mâm cúng: Mâm 01: Gà, cơm, rượu, 1 đôi đũa; Mâm 02: Đầu heo có gan, gà luộc, cơm, rượu, chuối…; Mâm 03: Gà, cơm, rượu, thịt…; Kago (thuyền được đẽo từ thân gỗ nguyên khối) được chạm khắc đẹp. Kago là vật tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết. Lễ bỏ mả có những nét đặc biệt. Độc đáo nhất là bàn thờ của người quá cố có treo một chiếc tô trên di ảnh, theo quan niệm của người Raglai, chiếc tô này là nơi trú ngụ linh hồn của người quá cố. Vật đó được coi là vật gia truyền để lại để cho con cháu sau này nhớ tới người quá cố đó. Từ ngày xưa người ta làm như thế, còn bây giờ sau lễ bỏ mả không còn để lại như ngày xưa...
 |
Ba thầy cúng trong lễ Bỏ mả biểu thị cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân
|
Lễ Bỏ mả được thực hiện trong 3 ngày với những nghi thức khác nhau, mỗi nghi thức mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được truyền từ đời này sang đời khác và bảo lưu một cách nguyên vẹn. Ngày đầu là ngày chuẩn bị lễ vật và thông báo đến các anh em bạn bè gần xa ở các làng khác cùng đến chung vui và tiễn đưa người chết. Lễ vật là 3 ché rượu cần, 3 con heo, một con bò hoặc con trâu, gà, vịt và những sản vật của đị phương.
 |
Các thầy cúng đang thực hiện nghi lễ
|
Trong ngày đầu (Chủ Nhang) thực hiện nghi lễ cúng hồn, thông báo về nhà mồ, về ngày, giờ diễn ra lễ bỏ mả để người chết biết mà đến đón nhận những lễ vật. Sau đó là nghi thức múa, khóc tế và khấn vái để cầu xin ông bà tổ tiên cho linh hồn người chết về với tổ tiên ở bên kia thế giới.
 |
Các thầy cúng và đội đánh Mã la đi vòng quanh lễ vật cúng
|
Ngày thứ hai được xem là ngày lễ quan trọng, trong ngày này bà con hàng xóm láng giềng cùng đến ăn bữa cơm để chia tay người chết. Chủ Nhang cùng đoàn người thân trong gia đình đến nhà mồ khóc tế, múa Mã la (cồng chiêng) để rước hồn người chết về nhà ăn cơm. Lễ này được xem là quan trọng nhất, tất cả mọi người phải tham gia đông đủ để gặp gỡ và chia tay người chết lần cuối cùng. Mọi người cùng ăn uống, nhảy múa, ca hát bên đống lửa và ché rượu cần cho đến sáng hôm sau.
 |
Đồng bào mang lễ vật ra nhà mồ
|
Ngày thứ ba được xem là ngày chia tay vĩnh viễn người chết. Những người đàn ông khiêng lễ vật ra nhà mồ, bày lễ vật ra xung quanh. Mọi người đứng thành vòng xung quanh nhà mồ khấn vái để chia tay linh hồn người chết. Trong ngày này bao giờ cũng diễn ra tập tục mang tính truyền đời của người Raglai, đó là nghi lễ tiễn Kago, chia của cải cho người chết. Ngày nay nghi lễ chia của cho người đã khuất chỉ mang tính tượng trưng thôi. Trước đây người ta chia của những vật dụng thường ngày như: chiêng, choé, mâm thau, nồi đồng…nhưng bây giờ người ta thay thế bằng nhưng vật dụng tượng trưng, ví dụ người ta cắt cây lồ ô…còn của thật thì người ta vẫn để lại cho con cho cháu”.
 |
Các thầy cúng thực hiện nghi lễ tại nhà mồ
|
Sau khi nghi lễ Bỏ mả đã kết thúc, trong lúc mọi người đang hát đối đáp suri budhi atâu, đang xem diễn tấu mã la, đang uống rượu cần vui hội tại rạp mả thì hai người trước đó đã khiêng giỏ mả ra treo lên nóc nhà mồ sẽ từ nhà mồ mang gói hạt giống đã hứng được từ ngày hôm qua, hân hoan trở về rạp mả ở nhà. Tất cả mọi người đang vui vẻ với nhau tại rạp mả liền đứng hết cả dậy, đón mừng hai người từ nhà mồ trở về làng. Thế rồi cuộc vui lại tiếp tục kéo dà suốt cả đêm cho tới ngày hôm sau vì các ché rượu cần men rượu còn chưa nhạt.
 |
Nghi lễ khiêng giỏ mả ra treo lên nóc nhà mồ
|
Lễ Bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm trách nhiệm của người sống với người chết. Đồng thời là dịp để thể hiện sự đền đáp công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và còn là biểu hiện của tình cảm làng xóm gắn kết bền chặt thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Kago là một dạng lâu thuyền và được sử dụng trong nghi thức bỏ mả của người Raglai, thuyền Kago là thế giới tâm linh của con người hiện tại với thế giới bên kia và sự ràng buộc giữa cái hiện tại và cái hư vô. Kago là biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia. Kago là những gì còn sót lại trong ký ức về biển của người Raglai, là miền quê hương xa vời, là nguồn cội mà họ hướng tới với tất cả tấm lòng thành kính nhất. Người Raglai cho rằng càng có nhiều vật trang trí gắn trên Kago thì người chết càng nhận được nhiều niềm vui ở thế giới bên kia.
 |
Phần hội với những điệu múa truyền thống của dân tộc Raglai
|
Sau Lễ Bỏ mả, linh hồn người chết hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc của người sống, người chết thực sự đi đến "quê hương mới" của mình. Còn người sống được "giải phóng" thoát khỏi mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, lúc này người chết chuyển sang trạng thái sống khác, không liên hệ gì với người thân nữa. Do vậy người Raglai không có tục thờ cúng giỗ chạp hay làm bàn thờ người chết sau Lễ Bỏ mả. Đặc biệt, trong lúc sống dù có hiền lành hay hung dữ, thật thà hay gian ngoa hoặc sống không phải đạo làm người với dân làng, với cha mẹ, vợ chồng, anh em trong gia đình thì khi chết đều được làm Lễ Bỏ mả chu đáo. Đây chính là tính nhân văn độc đáo trong một lễ hội mang đậm nét truyền thống của tộc người Raglai.
 |
Đồng bào Raglai đánh Mã la tạo không khí vui tươi trong phần hội
|
Các hoạt động của đồng bào Raglai thể hiện được bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc Raglai nói riêng. Qua đây, quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước về nét đẹp lễ hội truyền thống của cộng đồng Raglai tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống 54 dân tộc, đồng thời tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Thúy Nga