Đồng bào Gia Rai phục dựng lễ bỏ mả tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam
(LVH) - Tháng 9/2010, tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bên cạnh các hoạt động tái hiện một số nét sinh hoạt đặc trưng của đồng bào trong cuộc sống thường ngày, đồng bào Gia Rai đã chế tác một số tượng gỗ và tổ chức phục dựng lễ bỏ mả.
Đồng bào Gia Rai thường tổ chức lễ bỏ mả sau khi người thân của họ mất một thời gian. Người mất thường được chôn chung một quan tài, trong quan tài đó là những người thân trong cùng một gia đình, người mất được xếp chồng khít vào nhau. Họ tạo dựng nên những ngôi nhà mồ rất cầu kỳ.

Đồng bào Gia Rai tái hiện lễ bỏ mả tại làng dân tộc Gia Rai, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Để thực hiện lễ bỏ mả người Gia Rai phải mất hàng tháng trời chuẩn bị, từ việc người đàn ông lên rừng kiếm gỗ tốt để làm tượng nhà mồ, chặt lồ ô để múc nước đổ vào ghè rượu đến việc người phụ nữ đi hái lá rừng để đựng đồ ăn, lấy củi để nấu... chuẩn bị cho lễ bỏ mả. Người chết là nam, theo quan niệm của người Gia Rai, sẽ được người thân cho dao, rìu, gùi, rổ, ghè rượu, ống hút rượu, cuốc. Người chết là nữ sẽ được cho gùi nhỏ, cán bông, kéo sợi, quân sợi, dao, rổ... Các đồ dùng vật dụng này được người sống chôn theo cùng với người chết mang ý nghĩa sẻ chia cho người chết. Trong thời gian chuẩn bị này, các thành viên trong gia đình phải kiêng giặt quần áo ở đầu làng, nếu trên đường đi lấy gỗ gặp rắn bò ngang qua đường họ quay trở về không đi nữa.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, một số người trong làng sẽ tạc tượng, một số người làm nhà mồ mới và các thành viên trong gia đình chuẩn bị lễ vật chia của cho người mất.
Sau khi đã có nhà mồ mới, gia đình sẽ làm lễ cúng người đã mất. Khi cúng, người nhà cầm lễ vật và một con gà con buộc vào nhà mồ để khóc than lần cuối đưa tiễn người mất và ngủ lại nhà mồ một đêm, trong khi đó dân làng dắt trâu đi xung quanh, tổ chức ăn uống, nhảy múa, ca hát. Việc nhảy múa, ca hát sẽ diễn ra vài ba ngày.
HH