Đặc sắc đám cưới truyền thống của người Bố Y tại “Làng”
(LVH) - Sáng 25/2 (Mùng 10 tháng giêng) chủ thể văn hóa đến từ Lào Cai đã tái hiện những nghi thức quan trọng trong tục cưới xin của mình. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2018 được tổ chức tại Làng VHDL các DTVN (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
 |
Hai bà mối trao đổi với vợ chồng nhà gái về việc gả con gái trong nghi thức đi phát đường
|
Tục cưới xin được chủ thể văn hóa tái hiện theo truyền thống bao đời nay của đồng bào, với các bước, từ dạm hỏi hay đi “phát đường” đến nhận thách cưới, báo ngày cưới và rước dâu.
Nghi thức đầu tiên, nhà trai nhờ người mối là hai người phụ nữ đi phát đường - mở đường đến nhà gái, xem họ có ý gả con gái cho nhà khác không. Đối với người Bố Y, vai trò của ông bà mối trong hôn nhân rất được coi trọng. Đó là người đảm đang, có con cháu đầy đủ, có uy tín và phải thông hiểu lễ nghĩa, biết hát đối đáp. Bà mối bày tỏ nguyện vọng của nhà trai xin lá số của cô gái và xin được ăn hỏi.
 |
Nhà trai chuẩn bị sính lễ giao cho nhà gái theo yêu cầu
|
Được nhà gái chấp thuận, nhà trai đem lá số của cô gái về nhờ thấy cúng so tuổi. Khi đã xem được tuổi, nhà trai đem lễ vật đến trả lá số và xin được ăn hỏi. Được nhà gái đồng ý, nhà trai đưa người làm mai mối đến dạm hỏi và nhận thách cưới. Nhà trai chuẩn bị đồ lễ và đến nhà gái báo ngày cưới. Nhà trai mang đồ thách cưới gồm rượu, lợn giao cho nhà gái. Cuối cùng, lễ cưới được diễn ra, cô dâu được rước về nhà chồng nhưng ngày rước dâu, chú rể không có mặt mà chỉ có người họ hàng đưa ngựa, sính lễ đến đón cô dâu.
 |
Nhà trai đem sính lễ sang nhà gái với lợn, rượu
|
Đặc biệt, trong đám cưới của đồng bào, trước cửa nhà trai được trang trí giấy màu hồng, viết chữ nôm. Trên chính giữa cửa chính treo chiếc gương đồng để xua đuổi tà ma. Cô dâu khi về nhà chồng, cũng được đeo chiếc gương đồng, với ý nghĩa xua tà ma, xui xẻo.
.JPG) |
Du khách và các cộng đồng đang tham gia các hoạt động tại Làng cùng tham dự
|
Thông qua việc tái hiện nghi thức cưới hỏi theo truyền thống của mình, chủ thể văn hóa đã giới thiệu nét phong tục với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa đến với du khách tham quan “Làng”.
 |
Cô dâu được nhà gái chuẩn bị trang phục trong ngày cưới
|
Hoạt động này của chủ thể văn hóa đã đem đến một không khí ấm áp, vui tươi về hạnh phúc lứa đôi đầu năm mới, góp một sắc màu văn hóa đặc sắc vào “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại "Làng"
 |
Cô dâu được rước trên ngựa trong ngày cưới để về nhà chồng
|
Cũng trong tháng 2- tháng “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, có nhiều hoạt động khác vẫn được tiếp diễn đến hết tháng như: Biểu diễn dân ca, dân vũ; tổ chức trò chơi dân gian ngày Xuân dân tộc (Nhảy Sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu…);giao lưu tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Ê Đê, Tày; Giới thiệu ẩm thực, các loại món ngày Tết (bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy,…) tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Tày, Khơ Mú.
Một số hình ảnh khác:
 |
Sính lễ nhà trai mang sang nhà gái ngoài lợn, rượu, trang sức bạc... không thể thiếu bộ quần áo truyền thống cho cô dâu
|
 |
Chú rể quỳ gối mời cha mẹ mình uống trà thê rhiện lòng thành kính biết ơn
|
 |
Thày cúng thực hiện các nghi thức cúng cho cô dâu trước khi bước vào nhà chồng
|
 |
Cô dâu chú rể quỳ lạy trước ban thờ nhà chồng
|
 |
Gương đồng và giấy hồng treo trước cửa nhà trai trong đám cưới
|
Thu Loan