Giới thiệu nghệ thuật múa sư tử mèo người Nùng tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Từ 31/8 - 3/9, bên cạnh giới thiệu sản vật, ẩm thực truyền thống tại “Chợ phiên vùng cao xứ Lạng”, đồng bào dân tộc Nùng đến từ bản Tình Slung, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn còn giới thiệu tới du khách nghệ thuật múa sư tử mèo độc đáo của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Điệu múa sư tử mèo là một trong những điệu múa truyền thống không thể thiếu của đồng bào dân tộc Nùng ở Lạng Sơn vào các dịp như: Tết Nguyên đán, hội Lồng Tồng (xuống đồng), Trung thu, lễ vào nhà mới,…..

Điệu múa sư tử mèo do đồng bào dân tộc Nùng đến từ bản Tình Slung, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn biểu diễn

Múa sư tử mèo mang nhiều ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống. Người Nùng quan niệm múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay.
Cũng giống như múa sư tử của các dân tộc khác, múa sư tử mèo không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử nhưng mặt nạ có khuôn mặt của con mèo. Đặc biệt, đầu sư tử được người dân tự làm bằng nguyên liệu sẵn có, kết hợp với nhiều màu sắc sặc sỡ như: đỏ, đen, vàng hay xanh đậm...

Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử nhưng mặt nạ có khuôn mặt của con mèo

Múa sư tử mèo sử dụng những đạo cụ như: mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn…

Là một trong điệu múa truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Nùng

Nếu như nghệ thuật múa sư tử của một số dân tộc thường có hình ông Địa cầm chiếc quạt đi đầu đoàn múa, thì trong nghệ thuật múa sư tử mèo của đồng bào Nùng ở Lạng Sơn lại có những thanh niên mang gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng) thể hiện những thế võ mạnh mẽ của dân tộc.

Các điệu múa võ, múa đao kiếm, đinh ba, gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng)

Múa sư tử mèo có các động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, múa chào, kính bái các miếu, các gian thờ. Múa trong ngày hội thì có thêm múa võ, múa đao kiếm, đinh ba, gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng). Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn cho phù hợp như: múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn); múa đi đường, múa tại hội lồng tồng… và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền),…

Điệu múa thể hiện tinh thần thượng võ của người Nùng

Với những giá trị truyền thống văn hoá, đặc sắc riêng có ngày 8/5/2017, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 1852 công nhận múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tầm cỡ quốc gia.

Nghệ nhân Hoàng Choóng, một trong nghệ nhân ở Lạng Sơn còn chế tác những con sư tử mèo giới thiệu tới du khách nghệ thuật độc đáo này tại không gian "Chợ phiên vùng cao xứ Lạng"

Điệu múa sư tử mèo được các chàng trai dân tộc Nùng biểu diễn tại không gian “Chợ phiên vùng cao xứ Lạng” thể hiện tinh thần thượng võ của người Nùng, là dịp du khách được chiêm ngưỡng điệu múa độc đáo, hấp dẫn, lạ mắt cùng với những động tác múa võ vừa nhanh, vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, tạo không gian sôi nổi, náo nhiệt trong không khí chào mừng Quốc khánh 2/9 tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến