Thưởng thức các giai điệu từ nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng tại "Làng"
(LVH) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là điểm đến cho du khách có thể trải nghiệm, khám phá và thưởng thức những giai điệu mang âm hưởng núi rừng từ nhạc cụ truyền thống trong đời sống của dân tộc Xơ Đăng như ống vỗ Klong Put, đàn T'rưng, Trống, Chiêng,...

|
Người Xơ Đăng cùng nhau diễn tấu các âm thanh của núi rừng
|
Đồng bào dân tộc Xơ Đăng có một kho tàng văn hóa với các loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc, múa đến diễn tấu cồng chiêng. Không phải đi đâu xa mà ngay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), có nghệ nhân ưu tú Y Sinh cùng một số thanh niên nam nữ Xơ Đăng say sưa chơi đàn Klông pút trong bản hòa tấu giai điệu đại ngàn Tây Nguyên, đôi tay thoăn thoắt “vỗ” đều vào các đầu ống lồ ô để hơi gió lọt vào ống tạo thành âm thanh. Với tình yêu cây đàn Klông pút từ thuở còn thơ bé, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Y Sinh (thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) đã tự học chơi đàn và làm đàn thành thạo.
Bao năm qua, bà vẫn bền bỉ gắn bó với nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng. Lo sợ nguy cơ “mai một” của đàn Klông pút trong nhịp sống hiện đại, nghệ nhân Y Sinh đã đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn, những giai điệu của nứa tre sẽ mãi lưu truyền trong đời sống người Xơ Đăng.
Sinh ra và lớn lên ở làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trong lời ru, tiếng hát, tiếng cồng chiêng âm vang, những nhạc cụ từ tre nứa trong những lễ hội, sinh hoạt của cộng đồng người Xê Đăng, từ nhỏ, Y Sinh đã có năng khiếu và niềm đam mê với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Khác với nhiều nhạc cụ khác, để sử dụng chiếc đàn Klông pút, người chơi đàn phải để hai bàn tay gần đầu của ống nứa rồi vỗ vào nhau tạo ra hơi, tác động trực tiếp vào cột khí và cho ra âm thanh độc đáo.

|
Nghệ nhân Y Sinh thực hiện thao tác làm đàn Klông Pút
|
Những âm thanh như tiếng gió, tiếng suối, tiếng của đại ngàn từ những ống nứa, lồ ô mỗi khi vang lên lại có sức thu hút lớn với cô bé Y Sinh. Dù không biết chữ, không biết nhạc lý, nhưng Y Sinh đã chơi được đàn Tơ rưng, vỗ được những bản nhạc trên cây đàn Klông pút khiến nhiều người già phải trầm trồ.
Bà tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi hay được nghe người ở làng chơi nhạc cụ truyền thống. Nghe nhiều thành quen, âm nhạc ngấm vào người lúc nào không biết. Rồi tôi tự học đánh theo nhạc Tây Nguyên. Thấy người ta chế tác đàn, tôi cũng bắt chước làm theo. Hình như trong tôi có sẵn năng khiếu về chuyện này nên học rất nhanh”. Đến tuổi trưởng thành, niềm đam mê đàn Klông pút của dân tộc Xơ Đăng vẫn luôn đeo đuổi Y Sinh.
Bà tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là biểu diễn nhạc cụ của dân tộc mình ở địa phương, huyện, tỉnh và ngoại tỉnh. Bà còn rất “mát tay” dàn dựng tiết mục cho các chị em đồng nghiệp khi tham gia liên hoan, hội diễn.

|
Nghệ nhân Y Sinh, dạy cô gái người Xơ Đăng “vỗ” đàn Klông Pút
|
Dành cho niềm đam mê với nhạc cụ tre nứa, bà đã bắt tay vào công việc chế tác đàn Tơ rưng, đàn Klông pút và dành thời gian chơi đàn. Từ đôi tay khéo léo và trình độ thẩm âm như đã sẵn trong hơi thở của bà, những chiếc đàn Tơ rưng, Klông pút nguyên bản của người Xỏ Đăng lần lượt ra đời.
Những chiếc đàn do bà làm ra đã góp mặt trong các chương trình hội diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa truyền thống từ địa phương, cơ sở đến huyện, tỉnh và ở các thành phố lớn. Không chỉ đam mê đàn Tơ rưng, Klông pút, nghệ nhân Y Sinh còn chế tác thêm một số nhạc cụ để thổi, làm phong phú hơn dàn nhạc của nứa tre truyền thống như đàn môi, đàn then, đàn thò...
Nghệ nhân Y Sinh cho biết, với dân tộc Xơ Đăng, đàn Klông pút tựa như một nét đặc trưng của riêng họ. Đàn Klông pút có âm thanh rất độc đáo, nó như đang diễn tả những tình cảm của người dân nơi đây một cách huyền bí. Đàn được phụ nữ Xơ Đăng chơi trong những đêm ở trên chòi canh rẫy từ tháng 1 đến tháng 2.
Vào mùa lễ hội như mừng lúa mới, lễ hội máng nước..., người ta lại chơi đàn trong nhà rông. “Tiếng đàn Klông pút cũng là một phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của một cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn. Vì âm thanh của nó nghe mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng và thiết tha... đàn Klông pút được làm từ 2 đến 5 ống nứa loại lớn, với độ dài, ngắn khác nhau. Trong đó, ống ngắn chừng 60cm, ống dài lên đến 120cm. Và họ chọn những ống tre, nứa có đường kính từ 5 đến 8cm. Tất cả những ống này được xếp cùng một hàng trên giá khung chữ nhật hay mặt bàn, một đầu làm bằng, còn một đầu xếp chéo. Tuy nhiên, cái tài của người chế tác đàn là ở trình độ gọt, cắt khéo léo để những ống nứa vô tri trở thành những nốt nhạc kỳ diệu.
Bên cạnh việc chế tác đàn, biểu diễn đàn bằng tre nứa, bà còn dạy các thanh niên nam nữ của địa phương có nhu cầu học và chơi nhạc cụ truyền thống của dân tộc tại nhà. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, Y Sinh là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu đối với các nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng.
Du khách đến tham quan Làng dân tộc Xơ Đăng tại ‘Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, từ xa du khách đã nghe được tiếng cồng chiêng vang vọng, trầm hùng, xen lẫn trong đó là tiếng thánh thót của đàn Tơ rưng, đàn Klông pút… Bên ché rượu cần, những đôi trai gái Xơ Đăng nắm tay nhau hòa chung điệu múa hay những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, buôn làng, tình yêu đôi lứa để cùng hy vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thúy Nga