Độc đáo Lễ ăn trâu của dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi
(LVH) - Ngày 3/9/2022, đồng bào dân tộc Cor đến từ tỉnh Quảng Ngãi đã tái hiện Lễ ăn trâu của dân tộc mình - đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Dân tộc Cor là một trong số dân tộc ít người của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, dân tộc Cor có khoảng trên 30.000 người, ghi dấu ấn không chỉ qua vóc dáng, mà còn qua những nét riêng như cách ăn mặc, nơi ở, nếp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, dân ca, dân vũ…. điểm tô thêm sắc màu trong văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ trong nhà. Ảnh Lê Hải
Tín ngưỡng vạn vật hữu linh chi phối rất lớn đến mọi mặt đời sống của người Cor, thể hiện trong tâm thức, tập tục, nghi lễ, văn hóa và mạch sống tinh thần. Với người Cor, mọi sự vật, hiện tượng đều có linh hồn, đều có thần linh ngự trị.

Lễ hội ăn trâu của đồng bào Cor hay còn gọi là xa ố kpiêu nghĩa là Lễ hội ăn con trâu. Đây là một trong những lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào Cor tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ hội được tổ chức trong nhiều ngày với các giai đoạn khác nhau: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn tổ chức và giai đoạn kết thúc với nhiều nghi thức đậm nét văn hóa Cor.

Lễ hội không theo chu kỳ vòng đời, chu kỳ canh tác hay chu kỳ năm như các lễ hội khác. Người Cor tổ chức lễ hội ăn trâu khi làm ăn khấm khá, được mùa, khi mừng nhà mới hoặc di dời làng đến nơi ở mới hay khi làng có nhiều người ốm đau dịch bệnh, mục đích để cảm tạ các vị thần Cơi Pnon, Cơi Vách, nữ thần Mo Cả, Mo huýt… và cầu bình an, sung túc cho gia đình, cho làng nóc.
Trong lễ hội ăn trâu, văn hóa cổ truyền nh nghệ thuật diễn xướng với chiêng và nhảy múa, hát xaru, nghệ thuật ẩm thực, các lễ thức dân gian... hết sức phong phú được phô diễn, lan tỏa để củng cố mối quan hệ cộng đồng.

Và đặc biệt, phải có nghi thức dựng cây nêu. Cây nêu là tâm điểm của lễ hội, là một trong những cung đoạn quan trọng trong lễ ăn trâu. Trước khi diễn ra lễ hội vài mươi ngày hoặc cả tháng trời, chủ lễ cúng cáo thần linh rồi cùng trai tráng vào rừng tìm cây chò - một loại cây sống thẳng tắp giữa rừng, luôn hiện diện linh thiêng, huyền diệu trong truyện cổ và tâm thức đồng bào Cor để khênh về làng dựng cây nêu. Trên thân cây nêu, người Cor trang trí, khắc vẽ hoa văn công phu, tỉ mỉ, phần đỉnh có lá phướn thả dài và chim Chèo bẻo bằng gỗ treo trên đầu cây nêu.

Trâu tế thần là con vật được lựa chọn kỹ càng, được làm nghi lễ bố cáo ông bà, trời dất, làm lễ đuổi tà ma trước khi dắt trâu vào chuồng chăm sóc, vỗ béo bằng nhiều loại thức ăn tươi ngon và làm nghi lễ xoi mũi, bói giò gà để báo cho thần linh biết, thần Cơi Pnon hay thần Cơi Vách sẽ ăn con trâu này.
Ngoài trâu hiến tế, lễ vật cúng còn có con heo, con gà nuôi trong nhà, có bánh lá đót, củ gừng, lá trầu, cau, rượu trắng, cơm nếp…

Trong các lễ thức ăn trâu, dân làng tụ tập đánh chiêng, đánh trống, hát xaru và múa Cadauh suốt đêm không ngớt xung quanh cây nêu.

Kết thúc lễ hội, cây nêu ngoài sân, các gu trong nhà được gia chủ và dân làng giữ nguyên, không ai được phép động vào cho đến khi mục nát.

Tái hiện Lễ ăn trâu của dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cor tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời đây là cơ hội để đồng bào Cor quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan "Làng".
Phạm Hương (Ảnh Lê Phú)