Lễ hội Mừng lúa mới được đồng bào dân tộc Mạ tái hiện tại "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2023
(LVH) - Về tham gia các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chiều 15/4, đồng bào dân tộc Mạ huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu đến cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan bản sắc văn hóa dân tộc mình, thông qua tái hiện một phần lễ hội Nhô Rhe - Mừng lúa mới.
Lễ hội Mừng lúa mới của người Mạ ở Lâm Đồng thường được tổ chức vào tháng 12 âm lịch. Đây là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mạ với ý nghĩa để tạ ơn các thần linh đã cho buôn làng một mùa bội thu, cuộc sống no đủ.
Nghệ nhân K' Brèm bày biện mâm cỗ chuẩn bị cho buổi lễ
Lễ vật cúng được chuẩn bị tươm tất, bao gồm: cây nêu, nhà kho, rượu cần, trứng, cơm mới, đọt mây, nước trắng và đặc biệt là gà - con vật hiến sinh không thể thiếu. Trong nghi thức lễ của người Mạ, cây nêu là một trong những thành tố quan trọng, là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng vật hiến tế, còn cây nêu, tức là thần còn ở đó.

Chủ lễ kiểm tra lễ vật cúng Yang và thần linh được xếp xung quanh cây nêu
Lễ hội Mừng lúa mới có thể được tổ chức trong phạm vi một cộng đồng; một dòng họ; một đại gia đình nhưng vật hiến sinh luôn luôn phải có một con gà hoặc trâu, dê.

Đồng bào thổi tù để báo cáo Yang, thần linh về việc tổ chức lễ hội
Trong khuôn khổ chương trình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Mạ đã tái hiện và giới thiệu một phần lễ hội Mừng lúa mới được diễn ra trong không gian của một gia đình.

Từ trái qua phải, nghệ nhân KW Éo, nghệ nhân K' Breoh và nghệ nhân K' Brèm thực hiện nghi thức hiến sinh gà
Trước khi tiến hành nghi lễ, chủ lễ kiểm tra lễ vật cúng Yang và thần linh được xếp xung quanh cây nêu. Tiếp đó, Khèn bầu, dàn chiêng 6 tấu lên thông báo buổi lễ bắt đầu, đồng thời thổi tù và để báo cáo Yang, thần linh và thông báo với buôn làng gần xa về việc tổ chức lễ hội.

Thực hiện nghi thức cúng Yang, thần linh
Chủ lễ thực hiện nghi thức hiến sinh gà để cúng Yang, thần linh và đọc các lời cầu khấn. Già làng thì khấn ăn cầu cho chủ nhà làm ăn ngày càng được nhiều ngô lúa, heo gà, con cháu được mạnh khỏe, buôn làng được cái no, cái ấm. Còn chủ nhà thì khấn cảm ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu.

Nghi thức bôi tiết gà lên đầu mọi người để cầu cho con cháu sống lâu, mạnh khỏe
Chủ nhà và già làng cùng cắt tiết gà và bôi lên đầu mọi người để cầu cho con cháu sống lâu, mạnh khỏe. Tiết gà cũng được bôi lên các vật thiêng như chiêng, trống, cây nêu, cũng như dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất.
Bôi tiết gà lên cây nêu
Nghi thức cúng tế xong, cả gia đình cùng nghe lời dặn dò của già làng qua điệu hát dân ca R’ tắp R’ ting - với ý nghĩa dặn dò con cháu phải giữ gìn phong tục, tập quán của ông cha để lại.

Sau lễ cúng, đồng bào Mạ cùng hòa vào các điệu múa sôi động, vui tươi
Cùng với điệu múa Nhô Rhe - Mừng lúa mới là lúc cả gia đình từ ông bà, con cháu sum họp nhảy múa vui vẻ xung quanh không gian lễ hội.
Buổi lễ thu hút đông đảo du khách theo dõi và chung vui với không khí lễ hội Mừng lúa mới được đồng bào dân tộc Mạ tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Việc tổ chức lễ Nhô Rhe tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần quảng bá và thể hiện tinh thần, ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung. Đồng thời, tôn vinh bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).
Hải Yến