Lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Sáng ngày 24/11 tại làng Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Chăm đã tái hiện Lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm, đây là nghi lễ quan trọng trong cuộc đời người thiếu nữ Chăm, khi mà họ được cả cộng đồng làng, được tôn giáo của mình công nhận là người lớn. Ba thiếu nữ Trương Hoàng Phi Nhung (12 tuổi), Bá Thiên Nữ Như Ý (15 tuổi), Nguyễn Thiên Đông Phương (12 tuổi) là những nhân vật chính của buổi lễ này.
Mỗi người Chăm Bà Ni từ khi sinh ra cho đến khi về với tổ tiên ông bà, trong một vòng đời người thì có nhiều nghi lễ được tổ chức và lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bà Ni (Ninh Thuận) là một trong những nghi lễ quan trọng trong chu kỳ đó. Bởi vì đây là thời điểm mỗi con người bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, khi mà họ được cả cộng đồng làng, được tôn giáo của mình công nhận mình đã là người lớn.
Trước khi diễn ra nghi lễ, đồng bào phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để cúng trong lễ trưởng thành trong đó có làm bánh truyền thống của người Chăm và dựng, trang trí hai nhà để làm lễ. Đến ngày làm lễ, đồng bào dậy sớm nấu các món cúng lễ và chuẩn bị phục trang, vật dụng, lễ vật đầy đủ, chu đáo cho buổi lễ. Các thiếu nữ trong Lễ trưởng thành được trang điểm cẩn thận, cầu kỳ, bà Bóng (theo quan niệm của người Chăm, bà Bóng tham gia thực hiện các nghi thức cho thiếu nữ phải là người già, là bà lão). Giúp các thiếu nữ còn có hai người phụ nữ lớn tuổi, mặc pành (phục trang) và đưa các thiếu nữ đi tắm ngoài trời...

Các thiếu nữ chuẩn bị làm lễ
Sau khi tắm xong, các thiếu nữ được đưa vào trong nhà để trang điểm, mặc trang phục truyền thống, đeo trang sức và búi tóc lên cao trên đỉnh đầu, chuẩn bị làm lễ trưởng thành. Trước nghi lễ, việc sửa soạn các lễ vật, trang trí nhà lễ phải hoàn tất đầy đủ. Trong nghi lễ cúng có bảy mâm lễ cúng, trong đó ba mâm để cho ba thầy chức sắc, ba mâm cho ba thiếu nữ và một mâm cho bà bóng..
Khi các thiếu nữ đã hoàn chỉnh việc phục trang, sẵn sàng cho buổi lễ, ba vị chức sắc ở trong nhà lễ chính đã ngồi vào vị trí chuẩn bị thực hiện các nghi lễ. Thầy cả sư Từ Công Dư (tiếng Chăm là I mâm) chủ trì thực hiện sẽ phân công các vị chức sắc các phần việc. Lúc này, bà Bóng cũng có mặt trong nhà lễ chính để cùng thực hiện lễ.
Buổi làm lễ bắt đầu bằng việc thầy cả sư gọi các thiếu nữ bước vào nhà lễ chính để làm thủ tục cắt tóc phía trước và phía sau mái tóc. Sau đó, thầy làm lễ đặt tên cho ba thiếu nữ. Quá trình thực hiện này có sự chứng kiến của một bé trai (tiếng Chăm là Nưk pô thìh) để chứng kiến rằng ba thiếu nữ này đã được cắt tóc nhập đạo Bà ni và đã được thần Pô aloak chứng giám. Tiếp đó, các thiếu nữ ngồi trong nhà lễ chính để các vị chức sắc làm phép, đọc kinh mời Pô aloak về chứng giám. Các thiếu nữ lần lượt lạy các chức sắc, cha mẹ, tổ tiên, người thân để mọi người công nhận kể từ lúc này, các thiếu nữ đã là người trưởng thành, tức là được công nhận là người lớn và các cô gái sẽ được người thân lì xì bằng hiện vật như: tiền, vàng... hoặc có thể là trâu bò, dê, cừu… Tiếp đó, người thân dành chúc các thiếu nữ những câu chúc tốt lành.
 |
Các thiếu nữ chuẩn bị làm lễ cắt tóc
|
Những món quà lì xì của từng thiếu nữ sẽ được để trong từng cái thau và sẽ được thầy cả sư làm phép, sau đó đưa cho các thiếu nữ giữ. Đây cũng được coi là những của cải ban đầu, xem như là của hồi môn, cha mẹ và người thân cho các thiếu nữ và theo đó, các thiếu nữ không được lấy dùng mà phải để lại cho con cái mình sau này.
Sau lễ lạy của các thiếu nữ và người thân mừng cho các thiếu nữ xong, các thiếu nữ quay trở về vị trí nhà lễ chính để các vị chức sắc cúng lễ. Thầy cúng đọc kinh và cúng lần lượt các mâm lễ, sau đó các thiếu nữ được dùng các món chung với các vị chức sắc và bà bóng để chứng tỏ rằng kể từ bây giờ các thiếu nữ đã có một vị trí quan trọng trong đạo bà ni của người Chăm và đã là người trưởng thành.
Sau lễ cúng, gia đình mời người thân, bạn bè cùng chung vui mở tiệc mừng con cái gia đình họ trưởng thành.
Dưới đây là một số hình ảnh:

Bà Bóng trang điểm, giúp các thiếu nữ mặc phục trang

Thầy cả sư Từ Công Dư lần lượt cắt tóc cho các thiếu nữ

Tiếp đó, thầy cả sư cắt tóc của một bé trai (tiếng Chăm là Nưk pô thìh) để chứng kiến rằng các thiếu nữ đã được cắt tóc nhập đạo Bà ni

Các thầy cúng đọc kinh để chứng tỏ rằng các thiếu nữ đã có một vị trí quan trọng trong đạo bà ni của người Chăm và đã là người trưởng thành
Thúy Nga