Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Hành trình kết nối chung tay gìn giữ, lan tỏa bản sắc dân tộc

(LVH) - Chiều 18/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung; lãnh đạo, đại diện Sở VHTTDL các tỉnh; già làng, trưởng bản, nghệ nhân đồng bào các dân tộc...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã bày tỏ: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được gần 15 năm kể từ ngày “mở cổng” 19/9/2010. Trong suốt hành trình đó, Làng đã từng bước hiện thực hóa sứ mệnh trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của 54 dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Đồng bào dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa biểu diễn chào mừng Hội nghị

Theo Thứ trưởng: Trong những năm qua, với hàng chục nghìn lượt đồng bào từ khắp mọi miền đất nước trở về đây, mang theo tiếng nói quê hương, làn điệu dân ca, điệu múa, trang phục truyền thống, nghi lễ đặc trưng của từng cộng đồng… đã góp phần tạo nên không gian văn hóa phong phú, đầy sắc màu khắp các bản, buôn làng, phum sóc….Đặc biệt, phương châm “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn.

Thứ trưởng khẳng định: Có được những kết quả đáng khích lệ ấy là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các địa phương trên cả nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự đồng hành tâm huyết, trách nhiệm, bền bỉ của bà con đồng bào - những hạt nhân văn hóa ngày ngày giữ lửa truyền thống ở địa phương và tại Làng Văn hóa.

Thứ trưởng tin tưởng: Hội nghị không chỉ là dịp tổng kết, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, mà còn rút ra những bài học thực tiễn, chia sẻ giải pháp hiệu quả, phù hợp trong tình hình mới. Qua các ý kiến tham luận, kiến nghị từ địa phương, các nghệ nhân, đại diện đồng bào đang hoạt động tại Làng, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức phối hợp, huy động sự tham gia thực chất, rộng rãi hơn nữa từ cộng đồng.

Toàn cảnh Hội nghị

Để đạt được những kết quả trong hành trình giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc đó là sự nỗ lực thầm lặng không ngừng nghỉ, đầy tâm huyết của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (nay là Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam), các địa phương và đồng bào các dân tộc.

Trong suốt 15 năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, công tác phối hợp với các địa phương trong việc huy động đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động tại Làng đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, Lãnh đạo Bộ cũng xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài. 

Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm định hướng và chỉ đạo các hoạt động tại Làng. Hàng năm, Bộ đã ký ban hành kế hoạch khung tổ chức các hoạt động tại Làng, định hướng cụ thể để các địa phương và đơn vị tham gia phối hợp tổ chức. Chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng các kế hoạch phối hợp cụ thể với các địa phương, ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm 11 địa phương có đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị

Quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho đồng bào, trong đó ban hành Thông tư Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào các dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tổ chức các hội nghị gặp mặt tôn vinh nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, các chính sách và sự quan tâm thiết thực không chỉ tạo động lực, mà còn thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của Bộ VHTTDL đối với vai trò của đồng bào các dân tộc trong bảo tồn di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ thăm hỏi, động viên đồng bào, kiểm tra chất lượng tổ chức hoạt động, làm việc và đưa ra những chỉ đạo để Ban Quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng các dân tộc. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và đầy tâm huyết của lãnh đạo Bộ VHTTDL là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công trong công tác huy động cộng đồng các dân tộc về tham gia hoạt động tại Làng.

 

Ông Trịnh Ngọc Chung - Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam báo cáo tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc tổ chức hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ban Quản lý là đơn vị trực tiếp hiện thực các định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Trong 15 năm qua, trải qua nhiều khó khăn và thách thức, Ban Quản lý đã luôn nỗ lực tích cực chủ động tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương để công tác huy động đồng bào được hiệu quả, thể hiện tốt vai trò kết nối trong việc lan tỏa bản sắc dân tộc. Tham mưu, xây dựng quy chế phối hợp giữa giữa Bộ VHTTDL với UBND các tỉnh.

Ban Quản lý đã từng bước tổ chức tốt về các mặt như: phối hợp với địa phương trong việc mời đồng bào về tham gia 3 sự kiện thường niên và hoạt động điểm nhấn hàng tháng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để lựa chọn nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào về hoạt động thường xuyên tại Làng; tổ chức đón tiếp, sắp xếp ổn định hoạt động cho hàng trăm lượt đồng bào các dân tộc về Làng mỗi năm; xây dựng đa dạng, phong phú các kế hoạch, chương trình hoạt động để đồng bào phát huy bản sắc văn hóa; tổ chức các lớp học về kỹ năng du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn đồng bào thuyết minh giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình tới du khách tham quan theo phương châm “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”.

Cộng đồng các dân tộc tham dự Hội nghị

Ban Quản lý quan tâm đến chế độ, chính sách cho đồng bào các dân tộc, trong đó đã Tham mưu, xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào các dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, giúp đồng bào yên tâm hoạt động. Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí đi lại từ địa phương tới Làng, kinh phí chữa bệnh, kinh phí tổ chức các lễ hội đặc trưng của các nhóm cộng đồng; Ban Quản lý động viên kịp thời đối với các trường hợp điều kiện gia đình khó khăn, nắm bắt tâm tư của các nhóm đồng bào, tạo điều kiện cho các nhóm đồng bào giao lưu văn hóa thể thao, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nhằm gắn kết cộng đồng.

Trong những năm qua, các địa phương, từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa cho tới chính quyền cấp xã đã đóng vai trò then chốt góp phần đưa “hồn bản” về với “Ngôi nhà chung”. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý với các địa phương ngày càng nhịp nhàng, gắn kết tạo được hiệu quả cao. Đã có 61/63 tỉnh, thành phố tham gia phối hợp tổ chức các hoạt động tại Làng, trong đó, có những địa phương tham gia phối hợp thường xuyên như: Sơn La (47 lần), Hà Giang (31 lần), Hòa Bình (25 lần), Đắk Lắk (22 lần), Kon Tum (18 lần), Ninh Thuận (17 lần), Lai Châu (16 lần), Sóc Trăng (14 lần)…

Địa phương đóng vai trò quan trọng về nhân sự tham gia các hoạt động tại Làng, chủ động phối hợp với Làng trong việc lên kế hoạch, tổ chức hiệu quả các hoạt động, tạo điều kiện về vật chất, kinh phí, phương tiện di chuyển và hỗ trợ đào tạo, bảo tồn nghề truyền thống. Luôn quan tâm động viên các nhóm nghệ nhân, kịp thời nắm bắt tâm tư để điều chỉnh và chủ động phương án đưa nghệ nhân đồng bào tham gia hoạt động tại Làng.

 

Bà Nguyễn Thị Hoài, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang phát biểu tham luận tại Hội nghị

Sau 3 năm ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, công tác phối hợp ngày càng khởi sắc. Hàng năm, vào khoảng tháng 6,7 Làng cũng phối hợp với các địa phương đăng ký tổ chức các hoạt động và phối hợp hỗ trợ các đoàn về tham gia hoạt động. 

Sự có mặt thường xuyên của đồng bào các dân tộc đã và đang tạo nên sức sống bền bỉ cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào chính là chủ thể văn hóa, là hạt nhân của công cuộc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, đã có hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Thái, Dao, Ê Đê, Khmer… luân phiên về giới thiệu, tái hiện văn hóa truyền thống một cách chân thực, sinh động qua các lễ hội, trình diễn dân ca dân vũ, giới thiệu nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian... góp phần tạo nên sự sống động cho không gian văn hóa đặc biệt này.

Đồng bào còn là những “thuyết minh viên” giúp du khách hiểu biết thêm về sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam. Không có chủ thể, văn hóa chỉ là hình thức, chính cộng đồng các dân tộc đã góp phần “thổi hồn” vào không gian kiến trúc để nơi đây thực sự trở thành “Ngôi nhà chung” đa sắc màu văn hóa, nơi gặp gỡ, giao lưu và gắn kết cộng đồng.

 

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh, Trưởng nhóm dân tộc Xơ Đăng, Trưởng nhóm đoàn kết cộng đồng tại Làng VHDL các DTVN phát biểu tham luận tại Hội nghị

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý và địa phương đã tạo nên những kết quả nổi bật trong công tác gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa 54 dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận và được dư luận đánh giá cao.

Hàng năm, Làng tổ chức đều đặn các hoạt động, sự kiện theo 5 cấp độ: Hoạt động hằng ngày, hoạt động cuối tuần, hoạt động chuyên đề, hoạt động sự kiện và sự kiện thường niên cấp Bộ. Từ khi khai trương đến nay, Làng đã phối hợp với các địa phương huy động luân phiên hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động. Từ năm 2010 đến tháng 3/2025, Làng đã đón 631 lượt cộng đồng dân tộc với hơn 12.000 lượt già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc của 446 lượt địa phương về tham gia các sự kiện, hoạt động, tái hiện khoảng hơn 295 lễ hội, nghi lễ, phong tục.

Năm 2015, là năm đầu tiên Ban Quản lý thí điểm đưa đồng bào dân tộc về tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng với 2 nhóm đồng bào dân tộc Mường (Hòa Bình) và dân tộc Thái (Nghệ An). Đây được xem là bước ngoặt trong việc hiện thực hóa mục tiêu để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Từ 2015 - 2025, Ban Quản lý đã phối hợp với các địa phương đưa 16 nhóm nghệ nhân, đồng bào các dân tộc về hoạt động hàng ngày tại Làng gồm dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên), Dao (Hà Nội), Mông (Hà Giang), Mường (Hoà Bình); Lào, Khơ Mú, Thái (Sơn La), Tà Ôi, Cơ Tu (Huế), Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng).

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 15 tập thể có nhiều đóng góp trong công tác phối hợp tổ chức hoạt động tại Làng VHDL các DTVN, gồm: Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, TP Huế, các Sở VHTTDL Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, An Giang, Sóc Trăng

Các nhóm hoạt động theo hình thức luân phiên 3 tháng hoặc 6 tháng, sau 3 năm ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố, các địa phương đã hỗ trợ các nhóm đồng bào trong việc kiện toàn bổ sung, thẩm định nhân sự, hoàn thiện các thủ tục của cấp có thầm quyền cử đồng bào tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng. Mỗi nhóm đồng bào có 6-8 người, huy động cùng xã, buôn, bản theo hình thức gia đình vợ chồng, vợ chồng con hay nhóm đồng bào dân tộc cùng họ hàng, bản làng hoặc theo hình thức người cùng nghề. Mỗi nhóm đồng bào có phụ lục hoạt động phù hợp với đặc trưng của dân tộc và sẽ điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế.

Từ những năm đầu chỉ có vài nhóm đại diện, đến nay Làng đã đón hàng nghìn lượt nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào các dân tộc luân phiên về tham gia các sự kiện, hoạt động thường xuyên tại Làng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đông đảo du khách đến tham quan thụ hưởng văn hóa.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua với nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng đầy tự hào, một hành trình vừa làm vừa điều chỉnh, đã mang lại những kết quả tích cực cả về chính trị, văn hóa, xã hội và du lịch, hành trình đó sẽ còn tiếp tục để “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự trở thành nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến