Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ VHTTDL với Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ
(LVH) - Ngày 15 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, các đồng chí: Thường trực Đảng ủy Bộ; Chủ tịch Công đoàn Bộ; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ, cấp trưởng, cấp phó các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
Trong khuôn khổ một buổi sáng, Hội nghị đã diễn ra trên tinh thần dân chủ, có sự trao đổi, tương tác giữa tập thể Lãnh đạo Bộ với Lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp báo cáo, phát biểu và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan. Hội nghị đã lắng nghe 15 lượt ý kiến của các đại biểu dự họp; các ý kiến bước đầu thẳng thắn, chân tình và trách nhiệm, chia sẻ với tập thể những điều cần được trân trọng, cần được lắng nghe, những khuyết điểm cần được khắc phục. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chia sẻ với các cơ quan, đơn vị về sự phát triển của Ngành, về vị thế của Ngành đã được nâng lên; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, đặc biệt là sự thiếu tương tác, chưa chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp, giữa đơn vị sự nghiệp với đơn vị sự nghiệp; yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong thực thi nhiệm vụ.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Bộ trưởng kết luận như sau:
Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với Lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ lần đầu tiên được tổ chức, tuy nhiên đối với một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, việc người đứng đầu tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại không phải là việc mới, thậm chí còn được thực hiện định kỳ hàng năm. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ mong muốn có cơ hội được gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; sau khi báo cáo Ban cán sự đảng Bộ thống nhất về chủ trương, Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ xây dựng Kế hoạch, chương trình Hội nghị gặp gỡ, đối thoại. Vì sao phải gặp gỡ, đối thoại? Nội dung đối thoại là gì? Giải pháp tổ chức thực hiện các nội dung đối thoại? Đó là ba câu hỏi cần đươc giải đáp thông qua Hội nghị.
1. Vì sao phải đối thoại?
- Thứ nhất, để phổ biến, quán triệt quan điểm lãnh đạo của Đảng đó là phải tôn trọng, đề cao tính dân chủ và thực sự phát huy dân chủ, dân chủ tạo nên sức mạnh của một tập thể. Hội nghị gặp gỡ, đối thoại chính là hình thức phát huy dân chủ, là cơ hội để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đóng góp ý kiến, xây dựng và phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
- Thứ hai, trong thực tế khi xây dựng, ban hành chính sách mới, các đối tượng liên quan tham gia đối thoại để được lắng nghe, thảo luận hoặc khi cơ quan, đơn vị, địa phương xảy ra những vấn đề, sự việc có tính chất phức tạp cần thông qua đối thoại để giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý. Hội nghị hôm nay của Bộ là đối thoại mở, lắng nghe các ý kiến góp ý cả về cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo, điều hành và những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế của Bộ, của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
- Thứ ba, gặp mặt, đối thoại là để lắng nghe và chia sẻ. Bằng tình cảm và trách nhiệm, vì chữ tín và danh dự của cá nhân, khi đã thấu hiểu lẫn nhau, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ sẽ cùng gạt bỏ cái tôi, cùng nhau nhìn về một hướng để thực hiện mục tiêu định vị lại vị thế của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch trong mối tương quan với các Bộ, ngành, địa phương.
2. Nội dung đối thoại tại Hội nghị là gì?
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nổi bật là tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021 nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất; công tác tham mưu xây dựng thể chế được chú trọng, từng bước hoàn thiện hơn hành lang pháp lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí nhà nước của ngành; SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế; ngành du lịch phục hồi tích cực sau 2 năm gần như đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác quản lý nhà nước của Ngành vẫn còn bộc lộ những "điểm nghẽn" cần được đối thoại, chỉ rõ, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, để thay đổi tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa" cần dựa trên nền tảng công cụ pháp luật. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành chưa được Luật hóa, hiện tại được tổ chức thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ nên thiếu nguồn lực để triển khai. Công tác tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực để phù hợp hơn với yêu cầu quản lý nhà nước, với sự thay đổi của thực tiễn chưa thực sự chủ động và còn chậm. Công tác tham mưu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới có những thời điểm chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, suy nghĩ thấu đáo dẫn tới tình trạng vừa ban hành đã phát sinh những vấn đề bất cập, hoặc chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng để Bộ thông qua trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chuyên môn sâu nhưng nhận thức về pháp luật chưa tương xứng, để xảy ra sai phạm vì không nắm vững quy định của pháp luật.
- Thứ hai, là về công tác cán bộ. Thực tế đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ cho thấy năng lực đội ngũ công chức lãnh đạo, công chức và viên chức thực thi công việc chưa đồng đều; có bộ phận công chức, viên chức chưa thực sự cầu thị, cầu tiến, không chủ động tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc. Có trường hợp, thiếu tự giác, không tự làm, không tự đánh giá, không tự soi và lúc nào cũng thấy cá nhân giỏi hơn người khác; thiếu sự lắng nghe dẫn đến sự độc đoán, chuyên quyền, cho mình đứng trên tổ chức.
- Thứ ba, là sự khó khăn về nguồn lực. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, nguồn vốn đầu tư công cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng bước tăng lên nhưng công tác phân bổ nguồn lực, giao dự toán, quản lý đầu tư còn dàn trải, manh mún. Cơ sở vật chất của một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xuống cấp trầm trọng, tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn.
- Thứ tư, là sự thiếu liên kết, thiếu tính tổng thể trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nên chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý về phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy còn tình trạng cát cứ độc lập, "Việc ai người nấy biết", thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trên tinh thần xây dựng để tạo ra sự đồng bộ, trơn tru trong vận hành như kim giây, kim phút, kim giờ của một chiếc đồng hồ; nguồn lực, hoạt động của đơn vị này không được kết hợp trở thành sức mạnh của đơn vị khác và ngược lại, không tạo được sức mạnh truyền thông.
- Thứ năm, là sự trách nhiệm, nỗ lực để xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh. Tại Hội nghị không có ý kiến nào phát biểu về đơn vị của mình. Vai trò của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đến đâu, đã cố gắng để xây dựng tập thể chưa; đã dân chủ, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành chưa; có thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cấp dưới không; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại cơ quan, đơn vị như thế nào…
3. Giải pháp tổ chức thực hiện các nội dung đối thoại?
Tập thể Lãnh đạo Bộ nhiệm kỳ 2021-2025 mong muốn và kỳ vọng về một nhiệm kỳ “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” để phát triển, nâng cao vị thế của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Về phía mình, tập thể Lãnh đạo Bộ luôn đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng nhận khó khăn, thử thách về mình trên tinh thần "vị thế, danh dự của Bộ, của Ngành là điều quan trọng nhất", điều hành công việc một cách công tâm, minh bạch, dân chủ, đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Về phía các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Lãnh đạo Bộ đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
- Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh trên tinh thần "Nhận thức đúng để hành động đẹp". Tập thể hay cá nhân khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cần thực chất, chân tình, không tự nhận kết quả về mình; thể hiện sự 4 cầu thị, cầu tiến, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực, trình độ, giải quyết công việc ngày càng hiệu quả.
- Thứ hai, công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện đúng quy định. Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy phải đặt lợi ích của Bộ lên trên hết, hướng tới xây dựng cho được một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ phải thực hiện bài bản, khoa học, công khai, công tâm, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm; nghiêm cấm việc xây "thành lũy", chạy chức, chạy quyền trong công tác này. Tinh giản biên chế cần thực hiện hợp lý theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, không cào bằng giữa các cơ quan, đơn vị.
- Thứ ba, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục; sẽ tạo nền tảng và kiến tạo sự phát triển bền vững của Ngành. Do đó Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ cần tập trung cho nhiệm vụ này, đặc biệt là ở những lĩnh vực còn thiếu khung khổ pháp lý để phục vụ quản lý nhà nước theo hướng vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ, vừa nghiên cứu để đề xuất thể chế hóa khi đã có chủ trương, yêu cầu quản lý đặt ra và thực tiễn đã chứng minh là hoàn toàn phù hợp. Trong thời gian tới, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, quảng cáo và công tác triển khai, thi hành các Luật mới ban hành cần được chú trọng.
- Thứ tư, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu theo cam kết với Bộ trưởng, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, những việc còn vướng mắc phải bố trí lãnh đạo, công chức bám sát, giải quyết triệt để; quản lý và chỉ đạo thực hiện tốt việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức; kiểm soát việc chạy chức, chạy quyền trong phạm vi được phân cấp. - Thứ năm, cần quán triệt khẩu hiệu "đoàn kết là sức mạnh", sự tin tưởng luôn mang đến kết quả tốt đẹp hơn là sự nghi ngờ. Các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẽ thông tin, phối hợp chặt chẽ, đặt lợi ích chung của Ngành lên trên hết.
Toàn văn Thông báo Kết luận xem tại đây.