Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt làm việc với Ban Quản lý về tình hình hoạt động và các nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023

(LVH) - Chiều 27/7, tại Trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam về tình hình hoạt động và các nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban; Đồng chí Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng ban cùng các đồng chí Trưởng, Phó, Người đứng đầu, Phụ trách các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban đã báo cáo tình hình hoạt động và các nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023 của Ban Quản lý. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các mặt hoạt động, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Nội bộ đơn vị đoàn kết, ổn định; công chức, viên chức, người lao động có ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh buổi làm việc

Về công tác quản lý, vận hành, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tổ chức thành công các hoạt động và sự kiện như: chương trình “Tết vì người nghèo” Xuân Quý Mão. Tổ chức thành công sự kiện Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023; Tổ chức Lễ hội truyền thống của các dân tộc nhân dịp đầu xuân năm mới; Tổ chức thành công các hoạt động chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)"; Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ tổ chức hoạt động phiên chợ vùng “Sắc màu Lào Cai” nhân dịp Chào mừng Ngày giải phóng miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Duy trì tổ chức hoạt động định kỳ, thường xuyên của 15 nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc sinh sống hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội) Mường (Hòa Bình), Thái (Sơn La), Khơ Mú (Sơn La), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Gia Rai, Ba Na (Gia Lai), Xơ Đăng (Kon Tum), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng); Raglai (Ninh Thuận). Tại chính ngôi làng của mình, đồng bào dân tộc tập trung giới thiệu văn hóa truyền thống, lễ hội, dân ca dân vũ, giới thiệu sản vật, nét đặc sắc trong ẩm thực của dân tộc mình tới du khách. Các hoạt động đón tiếp khách giới thiệu không gian văn hóa dân tộc và giao lưu với khách tham quan luôn được chú trọng trong hoạt động hàng ngày của cộng đồng các dân tộc, trở thành điểm hấp dẫn đối với khách tham quan khi tới tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ thiết yếu phục vụ khách tham quan, du lịch. Cùng với đó Ban Quản lý tiếp tục xây dựng kế hoạch xúc tiến sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút dịch vụ, kết nối với các lữ hành về xây dựng sản phẩm du lịch năm 2023. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ khách tham quan, du lịch; các dịch vụ ăn uống, lưu trú từng bước được hoàn thiện.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách tham quan khoảng 320.000 lượt khách, đạt 81,5% kế hoạch năm đề ra. Trong đó, khách có thuyết minh viên khoảng 666 đoàn tương đương với khoảng 105.000 lượt khách. Trong 6 tháng đầu năm phục vụ khoảng 600 lượt dịch vụ, với 60.000 lượt khách, đoàn đăng ký trải nghiệm tại các làng dân tộc khoảng 250 lượt.

Về công tác đầu tư xây dựng: Triển khai lựa chọn nhà thầu giai đoạn tiếp theo của dự án đầu tư xây dựng Khu các làng dân tộc IV. Hoàn thành rà soát thiết kế các công trình dự kiến triển khai trong năm 2023.

Về công tác tổ chức cán bộ: Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nội dung liên quan đến mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý. Triển khai kế hoạch đào tạo theo Quyết định đã phê duyệt. Thực hiện giao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho công chức; chuyển công tác và tiếp nhận công chức, viên chức. Hoàn thành 98% cập nhật hồ sơ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị lên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của Bộ VHTTDL.

Đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN báo cáo tình hình hoạt động và các nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023 tại buổi làm việc

Về công tác tuyên truyền, quảng bá: Ban Quản lý thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá trên fanpage, website về hoạt động, chương trình, sự kiện tại "Làng"; Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho các kênh truyền hình, báo chí phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Về công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư: Ban Quản lý thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng. Báo cáo triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó còn tồn tại khó khăn, hạn chế: Bất cập về chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức, bộ máy của Làng tại Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Đội ngũ công chức, viên chức và người lao động thiếu; Diện tích rộng, không có tường bao, hàng rào bảo vệ dẫn đến việc lấn chiếm đất đai diễn biến phức tạp; Nguồn kinh phí được cấp cho Làng hạn chế không đáp ứng nhu cầu công việc phải triển khai; Đề án quản lý sử dụng tài sản công theo Nghị định 151/NĐ-CP chưa được phê duyệt không triển khai được dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2023, Ban Quản lý xác định thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Trình lãnh đạo Bộ gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý; Tổ chức Hội nghị giới thiệu, thu hút đầu tư vào "Làng" theo Kế hoạch được phê duyệt; Tổ chức thành công sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023; Hoàn thành Thông tư điều chỉnh mức thu phí thăm quan tại "Làng"; Tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Ủy ban nhân dân các tỉnh trong công tác huy động đồng bào về tổ chức hoạt động hàng ngày tại "Làng"; Hoàn thành xây dựng thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho đồng bào dân tộc được mời tham gia hoạt động tại "Làng"; Tiếp tục triển khai xây dựng Xây dựng Thông tư tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại "Làng"; Phối hợp với các địa phương kiện toàn, ổn định, nâng cao chất lượng, hoạt động hàng ngày của 16 nhóm nghệ nhân, đồng bào các dân tộc, triển khai các dịch vụ thu hút khách du lịch phấn đấu đón từ 400.000 du khách; Lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026; Hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công được phân bổ năm trong 2023 đúng quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của Ban Quản lý trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, Thứ trưởng chia sẻ những khó khăn tồn tại của Ban Quản lý. Do đó, Ban Quản lý cần tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ VHTTDL giao theo đúng tiến độ, chất lượng; Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thành công sự kiện Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023. Ngoài ra, phải tiếp tục tập trung chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc đang hoat động hàng ngày tại "Làng". Triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Ủy ban nhân dân các tỉnh trong công tác huy động đồng bào về tổ chức hoạt động hàng ngày tại Làng (ngoài 11 địa phương đã ký quy chế phối hợp).

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh Ban Quản lý nỗ lực trong việc xây dựng, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ phù hợp trong giai đoạn mới, cần nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, tuyên truyền nhằm thu hút khách tham quan và thu hút đầu tư từ nguồn ngoài Ngân sách Nhà nước. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cho ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Từ đó, đón và phục vụ nhiều khách hơn trong 6 tháng cuối năm 2023 cũng như các giai đoạn tiếp theo.

Phạm Hương (Ảnh Hải Yến)