Đại lễ dâng y Kathina tại Chánh điện chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Sáng nay, 19/10/2014 (Phật lịch 2558), Đại lễ dâng y Kathina, một trong những Đại lễ lớn và quan trọng nhất của Phật giáo Nam Tông đã được tổ chức trang trọng tại Chánh điện chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với đầy đủ các nghi thức của Phật giáo Nam Tông. Sau gần một năm khánh thành, Chánh điện Chùa Khmer trở thành một trong những nơi sinh hoạt phật sự trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”, và sau ba tháng kiết hạ, chư tăng đã có đủ phước duyên để nhận y Kathina, thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn và sự bền vững, chặt chẽ, viên mãn.

Toàn cảnh Đại lễ dâng y tại chùa Khmer, Làng VHDL các DTVN

Tới dự chương trình Đại lễ gồm có đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ Ngành Trung ương và Hà Nội; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với chư tôn giáo phẩm Hội đồng chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban, ngành viện Trung ương, Ban trị sự GHPGVN TP.Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh; Chư tăng hệ phái Nam tông, Bắc tông; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước: Campuchia, Băngladet, Thái Lan, Myanmar, Lào, Sri Lanca; lãnh đạo và cán bộ Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; các phóng viên báo chí, truyền thông...

Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Đại lễ

Phát biểu khai mạc Đại lễ, hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu sự ra đời và ý nghĩa của Đạo Phật đối với đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Phật giáo nói chung, Phật giáo Nam Tông và đồng bào Khmer nói riêng. Hòa thượng khẳng định: Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Nam Tông Khmer đã đồng hành cùng đất nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa và đã hoạt động hiệu quả, tích cực góp phần vào thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, hòa thượng cũng ghi nhận vị trí, vai trò và ý nghĩa về sự hiện diện của ngôi chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và khẳng định: “… sáng ngày 23/11/2013 một sự kiện đã làm nức lòng bao thế hệ đồng bào phật tử Khmer, đó là sự kiện khánh thành Ngôi chùa Khmer giữa lòng thủ đô Hà Nội thân yêu, ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa Khmer khác là nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, nơi truyền trao và hun đúc tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông, nơi đào tạo và rèn luyện nên những con người Chân - Thiện - Mỹ và hơn thế nữa Ngôi chùa Khmer này còn là trung tâm đoàn kết giữa các dân tộc anh em tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

Đ/c Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu

Phát biểu tại Đại lễ dâng y, đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh: “Đại lễ dâng y là một nghi lễ thiêng liêng, quan trọng của Phật giáo Nam Tông Khmer… và lần đầu tiên tại thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nghi thức dâng y của Phật giáo Nam Tông Khmer được các sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam Tông Khmer tổ chức long trọng, trang nghiêm và đầy đủ, chân thực tại chính ngôi chùa Nam Tông với không gian đậm bản sắc Khmer mới được xây dựng tại thủ đô Hà Nội”. Đồng chí bày tỏ tin tưởng: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần cùng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế về sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân Việt Nam, đồng thời quảng bá về hình ảnh, đất nước con người và Phật giáo Việt Nam luôn thân thiện, yêu chuộng hòa bình, để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành điểm du lịch ý nghĩa và thú vị đối với mỗi du khách cả trong và ngoài nước”.

Đ/c Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng ban BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ nhận lẵng hoa từ đại diện chính quyền, mặt trận đoàn thể chúc mừng

Trước nghi thức lễ tâm linh là nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ tại sân chánh điện và phút mặc niệm nhằm tưởng nhớ đến chư tiền bối hữu công với đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội, chư thánh tử đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước.

Nằm trong chương trình của Đại lễ dâng y Kathina, tối ngày 18/10/2014 tại chánh điện Chùa Khmer đã tổ chức các nghi thức: Lễ Tam bảo, Lễ An vị Phật, Thuyết pháp tại Chánh điện và tiếp đó, sáng hôm sau (19/10/2014) là các nghi thức: Nhiễu Phật 3 vòng chánh điện, dâng hoa, lễ bái tam bảo, Thọ trì, Tam quy Ngũ giới, Hành tăng sự, Khóa lễ cầu an, chúc phúc, buộc chỉ tay phúc chúc phật tử, chư tăng thọ trai... Các nghi thức của Đại lễ lần lượt được các đại biểu, chư tôn, phật tử thực hiện với tấm lòng thành kính, tôn nghiêm và hoan hỉ.

Các nghi thức lễ trong chánh điện chùa Khmer

Đại lễ dâng y Kathina là một di sản vô giá của đạo Phật, đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp hộ trì và hoằng dương chánh pháp, mang lại cho người con Phật những niềm vui vô tận, những niềm tin cùng với những phước báu vô bờ bến…

Dưới đây là một số hình ảnh Đại lễ:

Đại biểu tham dự Chương trình Khai mạc Đại lễ

 

 

Mừng Đại lễ, các nhà sư, tăng ni, phật tử hai chùa Pháp Vân và Khmer kết nghĩa

 

...và nhận quà từ đại diện một số chính quyền, mặt trận, đoàn thể

Nghi thức thượng Quốc kỳ và Đạo kỳ

 Đại biểu, chư tôn, phật tử thực hiện nghi lễ nhiễu phật 3 vòng chánh điện

 

Hàng nghìn phật tử tham dự Đại lễ

 

Đại đức Thích Kim Tuệ thực hiện nghi thức Thọ y

 

Các nhà sư thực hiện lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho các đại biểu, phật tử

Đại lễ dâng y Kathina là một di sản vô giá của đạo Phật, lần đầu tiên được tổ chức tại Làng VHDL các DTVN thành công tốt đẹp

 H. Huyền (Ảnh: H.Huyền - Đào Loan)