Sắc màu văn hóa “Tây Nguyên đại ngàn” tại Ngôi nhà chung

(LVH) - Từ 20 - 27/3/2016, hơn 100 đồng bào dân tộc: M’nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê Đê (Đắk Lắk) đã cùng tề tựu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) và tổ chức nhiều hoạt động phong phú mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt, trong 3 ngày (25-27/3), các hoạt động chuyên đề với các lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, tạo nên một “Tây Nguyên đại ngàn” giữa lòng Hà Nội.

Lễ cúng cổng bon của đồng bào dân tộc M'nông tại làng dân tộc M'nông, Làng VHDL các DTVN

Sáng ngày 25/3, "Lễ cúng cổng bon" - một trong những nghi lễ nông nghiệp về cầu an tiêu biểu của người M’nông tỉnh Đắk Nông đã được đồng bào thực hiện. Chiều cùng ngày, tại không gian làng dân tộc Giẻ Triêng, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng đã tiến hành giới thiệu trích đoạn "Lễ mừng nhà rông mới" với phần nghi lễ chính và kết thúc với phần hội rộn ràng của những bài chiêng trống và múa xoang. Du khách tham dự còn được thưởng thức rượu cần và những món ăn truyền thống đặc trưng của bà con trong lễ hội này.

Lễ mừng nhà rông mới của đồng bào Giẻ Triêng, Làng Giẻ Triêng, Làng VHDL các DTVN

Tại nhà dài Ê Đê, bộ sưu tập kỷ vật văn hóa dân tộc Ê Đê của gia đình cố NSND Y Moan Ênuôl gồm 16 nhóm hiện vật gồm: ghế kpa dài 9,5m, ghế chủ, trống, chiêng, bộ công cụ, gùi có chân, ghế bên bếp lửa và nhiều hiện vật khác… đã được trưng bày và giới thiệu tại đây. Đặc biệt, buổi tối 25/3, tại không gian này, lần đầu tiên, một đêm "Khan" độc đáo đã được chính chủ thể văn hóa thực hiện. Đồng bào dân tộc Ê Đê thuộc làng Đăk Tuar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông và các nghệ nhân đến từ huyện Cư Ngar như nghệ nhân Y Wang (66 tuổi), nghệ nhân Y Bruăt Êban (79 tuổi) và nghệ nhân Y Phin Niê (40 tuổi) đã thực hiện đêm "Khan" độc đáo này. Trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng chiêng âm vang và cả trong men rượu cần nồng say, tiếng "Khan" vang lên như lời của đại ngàn kể về truyền thuyết Tây Nguyên với Đam San, Xinh Nhã.

Các nghệ nhân hát "khan" tại nhà dài Ê Đê, làng Ê Đê

Sáng 26/3, đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện "Lễ cầu mưa" tại không gian làng Ê Đê. Chiều cùng ngày, cộng đồng dân tộc Mạ đã tái hiện "Lễ tạ ơn yang đất, yang rừng" tại không gian làng dân tộc Mạ. Đồng bào Giẻ Triêng tổ chức trích đoạn "Lễ mừng nhà rông mới" tại không gian làng dân tộc Giẻ Triêng. Đây là những lễ hội thuộc nghi lễ nông nghiệp với mong ước thuần hậu, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no, yên lành.

"Lễ tạ ơn yang đất, yang rừng"  của dân tộc Mạ

Ngày 27/3, đồng bào Gia Rai tái hiện trích đoạn đám cưới truyền thống của dân tộc Gia Rai tại làng dân tộc Gia Rai, đồng bào dân tộc Xơ Đăng tái hiện Lễ mừng lúa mới tại không gian làng Xơ Đăng.

Đám cưới truyền thống của đồng bào Gia Rai

Bên cạnh đó, xuyên suốt các ngày từ 20-27/3, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và tổ chức các trò chơi truyền thống của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên liên tục diễn ra, lôi cuốn đông đảo du khách tham dự và trải nghiệm.

Du khách tham gia trò chơi gùi nước tại làng dân tộc M'nông

Đến với "Ngôi nhà chung" trong những ngày cuối tháng 3, du khách như lạc vào vùng đất Tây Nguyên đại ngàn với những âm thanh quen thuộc của cồng chiêng, của tiếng tù và, đàn tơ nưng, đinh tút, đinh buốt... Trong màu sắc các trang phục truyền thống ngày lễ hội của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, tại không gian các làng dân tộc truyền thống của mình, đồng bào đã sắp đặt các đồ dùng, vật dụng mang nét văn hóa đặc trưng nhất và tổ chức các lễ hội tiêu biểu của mình giới thiệu với du khách tham quan.

Một không gian văn hóa đậm đặc bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên được chính chủ thể văn hóa thực hiện đã đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh và góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên trong nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc các dân tộc Việt Nam.

Một số hình ảnh khác:

 Diễn tấu nhạc cụ của dân tộc Gia Rai

 Diễn xướng cồng chiêng tại làng dân tộc Gia Rai

 Các cô gái Mạ giã gạo tại làng dân tộc Mạ

 Đào Loan