Thưởng thức Đờn ca tài tử Nam Bộ tại “Ngôi nhà chung”
(LVH) - Từ 7 - 8/10, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Cải lương đã được các nghệ sĩ biểu diễn tại chương trình "Miền Tây mến thương" trong khuôn khổ hoạt động tháng 10 “Về với miền Tây qua nét đặc trưng văn hoá Khmer Nam Bộ” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Chương trình được tổ chức với sự phối hợp giữa Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Tại chương trình “Miền Tây mến thương”, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã biểu diễn những câu ca Vọng cổ ngọt ngào, mượt mà đầy tình cảm sâu lắng cùng trích đoạn cải lương với nội dung ca ngợi tình yêu, cuộc sống, vẻ đẹp quê hương đất nước, vẻ đẹp miền Tây….
 |
Nghệ sĩ Tuấn Thanh - Hồng Hà thể hiện ca khúc "Cung đàn mới"
|
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX và đã dần trở thành một phần trong cuộc sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Tây Nam Bộ. Nhắc đến âm nhạc tài tử và cải lương, người ta thường nghĩ ngay đến điệu "Vọng cổ", bất cứ cuộc sinh hoạt Đờn ca tài tử nào, bất kỳ vở tuồng cải lương nào, cũng đều có sự hiện diện của bài ca "Vọng cổ" bắt nguồn từ bài "Dạ cổ hoài lang" của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu).
 |
Trích đoạn Cải lương "Hai người bố" do NSƯT Tiến Đạt và Anh Tuấn thể hiện
|
Thông qua chương trình, du khách có dịp được trực tiếp thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, được đắm mình vào không gian văn hóa miền Tây Nam Bộ ngay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
 |
Du khách vừa theo dõi vừa ghi lại những tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam
|
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (12/2013).
Hải Yến (ảnh: Thu Loan)