Chương trình ‘Múa Rối cạn đón mừng xuân mới”

(LVH) - Từ 27 - 28/01, tại Sân khấu làng dân tộc III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Múa rối cạn đón mừng Xuân mới” do các Nghệ sỹ Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn.

Tiết mục vui xuân trẩy hội  

Múa rối là nghệ thuật tạo hình không gian, biểu cảm thông qua cử chỉ, hành động con rối do nghệ sĩ điều khiển. Đối với người Việt, múa rối mang đậm bản sắc văn hóa và tính nhân văn của dân tộc. Múa rối được chia thành hai loại là múa rối cạn và rối nước. Trong đó, múa rối cạn phong phú, sinh động và dễ biểu diễn hơn.

 

 

Trên sân khấu, múa rối cạn không giới hạn về nội dung, nhân vật... Tất cả nhân vật trên sân khấu rối đều có thể được nhân cách hóa, tạo sự tưởng tượng phong phú cho người xem.

Các nghệ sĩ trình diễn tiết mục chuyện Tấm Cám 

Múa rối cạn có nhiều hình thức biểu diễn như rối tay, rối que, rối dây, rối bóng... Phần lớn các tích trò thường sử dụng làn điệu chèo, ca trù, tuồng để dẫn trò và biểu diễn. Những con rối tay thường được làm bằng gỗ. Nghệ nhân điều khiển con rối và lấy nội dung, nhân vật trong các truyện cổ tích, thần thoại... hoặc các nhân vật như cu Tí, cu Tèo, chú bộ đội, bác nông dân... trong cuộc sống đời thường.

 

 

 Tiết mục Trẩy hội ngày mùa

Chương trình được trình diễn nghệ thuật, công phu tạo ra một sân khấu rối cạn, những loài động vật, cây cối, nhà cửa đều trở nên sinh động, có hồn và phong phú qua tài năng của những nghệ sĩ điều khiển rối, khiến cho người xem cảm thấy thật gần gũi với loại hình nghệ thuật dân gian này.

 

 

 Các tiết mục dân ca, dân vũ ca ngợi quê hương, đất nước

Đến với “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong dịp này, du khách không chỉ được thưởng thức các tiết mục vô cùng đặc sắc từ chính những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ biểu diễn kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, mà còn được thưởng thức các tiết mục dân ca, dân vũ ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống văn hóa các dân tộc nhằm góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thúy Nga