Tổ chức các hoạt động tháng 9 "Vui Tết Độc lập"  

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 9 được tổ chức từ ngày 30/8 - 30/9/2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2019). Đồng thời, nhằm tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”; góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm năm 2019.

Các hoạt động với sự tham gia của khoảng 300 đồng bào của 15 dân tộc, nghệ sỹ, diễn viên, sinh viên, gồm: 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Nghệ An), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng); huy động thêm các dân tộc tham gia lễ hội, hoạt động gồm dân tộc Lô Lô, Mông, Giáy (Hà Giang), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk) cùng sự tham gia của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Nhà hát TuồngViệt Nam; Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc,…

Điểm nhấn hoạt động tháng 9 là không gian chợ vùng cao “Về miền cao nguyên đá” tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc. Đặc biệt, tái hiện lễ hội Rửa làng của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (lần đầu tiên tổ chức tại Làng); trình diễn giới thiệu múa trống của đồng bào dân tộc Giáy và Lô Lô huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; Hội Vỗ Mông của dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và chương trình diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên “Tiếng gọi đại ngàn” của các nghệ nhân đến từ Đắk Lắk.

Chương trình tháng 9 “Vui Tết Độc lập”có nhiều hoạt động như:

Không gian “Chợ vùng cao - Về miền cao nguyên đá” - hoạt động điểm nhấn

- “Chợ vùng cao - Về miền cao nguyên đá” từ ngày 30/8 - 02/09/ tại không gian chợ vùng cao Khu các làng dân tộc I: Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao Hà Giang với chủ đề “Về miền cao nguyên đá”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày...

Điểm nhấn, là không gian giới thiệu nét văn hóa, sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Hà Giang: Với chảo thắng cố nghi ngút khói, những món ăn hấp dẫn mèn mén, rượu ngô, bánh ngô, bánh tam giác mạch, măng trúc, thịt lợn đen,… và với sắc màu của những người phụ nữ vùng cao bên khung cửi cùng với sự sóng sánh ánh lên từ nắng mùa thu, những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của người phụ nữ Lô Lô, Mông, Giáy, Thái… Tất cả sẽ tạo nên một không khí nhộn nhịp, hồ hởi, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc và du khách với phiên chợ vui Tết Độc lập trong dịp Quốc khánh 02/9.

- Trình diễn giới thiệu múa trống của đồng bào dân tộc Giáy và Lô Lô huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang tại không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I: “Múa trống” là nét văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc Giáy và đồng bào dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong ngày lễ, trưởng bản làm nghi thức xin hạ trống, mỗi gia đình làm một mâm cơm, quây quần, tập trung tại đây và cùng nhau thắp hương, nhảy múa theo điệu trống để cầu xin đất, trời cho mưa thuận, gió hòa; xin thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm được mạnh khỏe, bình an.

- Hội Vỗ Mông của đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tại không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I: “Vỗ mông” là một phong tục văn hóa có từ lâu đời của đồng bào Mông trên cao nguyên đá huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nghe tưởng chừng như thiếu tế nhị nhưng lại đầy ý nhị, phong tục thể hiện đúng cuộc sống chất phác, thật thà của người Mông từ xưa đến nay. Khi đôi trai gái người Mông lại hẹn hò, trao nhau những câu tâm tình, ngỏ những lời yêu thương để chọn bạn trăm năm.

- Chương trình dân ca dân vũ “Vui Tết độc lập” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền mừng lễ Quốc khánh 2/9 của dân tộc Mông, dân tộc Giáy, dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La và các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hoạt động hàng ngày tại Làng. Giới thiệu các chương trình văn nghệ dân gian truyền thống như múa trống, múa khăn, múa nón, múa sạp...của các dân tộc huyện Mèo Vạc.

Lễ hội truyền thống các dân tộc

- Tái hiện lễ Rửa làng của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tại làng dân tộc Lô Lô, Khu các làng dân tộc I:. Lễ rửa làng bắt nguồn từ một sự tích một năm bao giờ cũng có cái may và cái rủi. Dù thu hoạch mùa màng vụ vừa rồi thắng lợi nhưng đồng bào vẫn nghĩ tới rủi ro thế nên đồng bào Lô Lô làm lễ rửa làng cho sạch sẽ, khang trang. Lễ này theo quan niệm của đồng bào làm cho làng trở nên khang trang, sạch sẽ từ tâm hồn đến cảnh quan; làm lễ này rồi thì mưa thuận gió hòa năm đó được mùa, an tâm làm ăn. Sau nghi thức độc đáo theo đúng truyền thống của dân bản sẽ là phần hội cũng không kém phần đặc giới thiệu về kho tàng văn hóa của đồng bào Lô Lô với điệu nhảy trên cây, múa kiếm, nhảy theo tiếng trống đồng…

Các hoạt động chuyên đề

- Chương trình diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên “Tiếng gọi đại ngàn” tại Không gian làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II: Giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian của Tây Nguyên để mang tới một không gian đượm chất Tây Nguyên bằng âm nhạc từ diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre, Chingkram…đến những ca khúc đầy sức sống cuốn hút của mảnh đất và người Tây Nguyên.

- Giới thiệu Lá cờ số 490 (54m2) đã treo tại cột cờ quốc gia Lũng Cú tại nhà triển lãm làng dân tộc III, Khu các làng dân tộc III: Trưng bày lá cờ đỏ sao vàng 54m2 là biểu tượng của khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt tại “Ngôi nhà chung” cùng với các chủ quyền quốc gia trên biển đảo Việt Nam. Lá cờ số 490 đã hoàn thành nhiệm vụ được treo tại cột cờ quốc gia Lũng Cú. Cột cờ quốc gia Lũng Cú được đặt tại vị trí địa linh trên đỉnh núi Rồng, nơi cực Bắc của Tổ quốc, có độ cao 1.468,73m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, trải theo lịch sử, vị trí này đánh dấu chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.

- Tổng kết cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn” tại bên trong và trước nhà triển lãm làng dân tộc II, Khu các làng dân tộc II; Tổng kết, trao giải cho những tác phẩm đạt giải của cuộc thi. Trưng bày, giới thiệu các tác phẩm. Gặp gỡ những nhân vật truyền cảm hứng.

- Chương trình biểu diễn Rối cạn “Đồng vọng Rối Việt” của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn tại sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III: Tổ chức loại hình múa rối cạn với nhiều hình thức biểu đạt của những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ biểu diễn kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, tạo dáng những nhân vật rối được cách điệu và nhấn mạnh một cách cô đọng, chất hồn nhiên, ngây thơ để mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau nhưng cùng đạt được một hiệu quả thưởng thức: Vui vẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

- Chương trình nghệ thuật “Tôi yêu Tổ quốc tôi!” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc tại cánh đồng Tổ quốc gấm hoa, Khu các làng dân tộc I: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc (ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi về quê hương đất nước, một số ca khúc gắn với đời sống hiện đại) của các em sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.

- Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chúng ta cùng xem và hiểu về nghệ thuật Tuồng” của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III: Diễn các tích Tuồng ca ngợi quê hương đất nước. Biểu diễn các loại hình nghệ thuật hát Văn - một trong những loại hình trình diễn độc đáo trong Tín ngưỡng Thờ phủ Tam mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

- Tái hiện Lễ SenDolta (Lễ cúng ông bà) tại quần thể chùa Khmer tại quần thể chùa Khmer, làng dân tộc Khmer: Sen Dolta là một trong ba lễ lớn trong năm của đồng bào dân tộc Khmer, có ý nghĩa là lễ báo hiếu, cúng ông bà tổ tiên nên dịp lễ diễn ra, con cháu dù bận rộn đến mấy cũng trở về sum họp với gia đình làm lễ báo hiếu, sau đó là đi chùa làm lễ cầu an cho ông bà, tưởng nhớ công ơn đấng sinh thành, cùng các thành viên trong dòng họ ôn lại những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc.

- Giao lưu ca nhạc “Xôn xang, mênh mang Cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng tại không gian làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống ca ngợi mảnh đất, con người Tây Nguyên

- Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu. Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống. Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc. Chương trình du lịch Homestay tại nhà sàn Mường trong không gian Khu các làng dân tộc.

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Chương trình tổng thể

Thời gian

Nội dung hoạt động

Địa điểm

Hoạt động sự kiện dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 với chủ đề “Vui Tết độc lập

Hoạt động điểm nhấn: Chợ vùng cao chủ đề “VỀ MIỀN CAO NGUYÊN ĐÁ”

Ngày 30/8 - 02/9/2019 (Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật, Thứ Hai)

Từ 8h00 - 17h00

Chợ vùng cao chủ đề “Về miền cao nguyên đá”:

- Giới thiệu không gian văn hóa đặc trưng không gian chợ cao nguyên đá huyện Mèo Vạc mang đậm sắc màu văn hóa tỉnh Hà Giang.

- Giới thiệu ẩm thực dân tộc

- Giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng địa phương.

- Giới thiệu các nghề thủ công truyền thống

- Chương trình giao lưu nghệ thuật, trò chơi dân gian các dân tộc mừng Tết độc lập.

Không gian chợ vùng cao

08h30 - 09h00

Giới thiệu nghệ thuật múa trống của dân tộc Lô Lô, dân tộc Giáy huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Không gian chợ vùng cao

9h00 - 09h30

Hội Vỗ Mông của đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Không gian chợ vùng cao

09h30 - 10h30

Chương trình dân ca dân vũ của các cộng đồng dân tộc mừng vui “Tết độc lập” và Không gian trò chơi dân gian tại Chợ: Các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như của các dân tộc tỉnh Hà Giang, dân tôc Thái tỉnh Sơn La.

Không gian chợ vùng cao

Cả ngày

Trưng bày khoảng 60 bức ảnh về vẻ đẹp con người vùng cao mà điểm nhấn là vẻ đẹp “Đất và người Mèo Vạc” “Tình ca từ đá”

Không gian chợ vùng cao

09h00 - 10h30

14h00 - 16h00

Giới thiệu chương trình âm nhạc “Tiếng gọi đại ngàn” của các nghệ nhân dân tộc Ê Đê - Ban nhạc dân gian đường phố tỉnh Đắk Lắk

Không gian làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II.

Ngày 31/8/2019 (Thứ Bảy)

09h30 - 11h00

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn Rối cạn “Đồng vọng Rối Việt” của các diễn viên, nghệ sỹ Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Sân lễ hội làng III

Ngày 01/9/2019 (Chủ Nhật)

09h00 - 10h00

Tái hiện Lễ hội rửa làng của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Làng dân tộc Lô Lô, Khu các làng dân tộc I

09h30 - 11h00

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn Rối cạn “Đồng vọng Rối Việt” của các diễn viên, nghệ sỹ Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Sân lễ hội làng III

Hoạt động cuối tuần

Ngày 07/9/2019 (Thứ Bảy)

09h00 - 10h30

14h30 - 16h00

Giao lưu ca nhạc “Xôn xang, mênh mang Cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Không gian làng dân tộc Ê Đê

Ngày 08/9/2019 (Chủ Nhật)

09h00 - 11h00

Tổng kết cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn” (dự kiến)

Không gian “Ngày hè của em”, Khu các làng dân tộc II.

14h30 - 16h00

Giao lưu ca nhạc “Xôn xang, mênh mang Cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Không gian làng dân tộc Ê Đê

Ngày 14, 15/9/2019 (Thứ Bảy, Chủ Nhật)

09h00 - 10h30

14h30 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Tôi yêu Tổ quốc tôi!” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.

Cánh đồng Tổ quốc gấm hoa, Khu các làng dân tộc I.

Ngày 21,22/9/2019 (Thứ Bảy, Chủ Nhật)

09h00 - 10h30

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn “Chúng ta cùng xem và hiểu về nghệ thuật Tuồng” của các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Sân lễ hội làng III

Ngày 28/9/2019 (Thứ Bảy)

09h00 - 10h00

Tái hiện Lễ SenDolta tại chùa Khmer

Quần thể chùa Khmer, làng dân tộc Khmer

14h30 - 16h00

Giao lưu ca nhạc “Xôn xang, mênh mang Cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Không gian làng dân tộc Ê Đê

Ngày 29/9/2019 (Chủ Nhật)

09h00 - 10h30

14h30 - 16h00

Giao lưu ca nhạc “Xôn xang, mênh mang Cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây

Không gian làng dân tộc Ê Đê

Từ ngày 30/8 đến hết ngày 31/9/2019

Cả ngày

Giới thiệu Lá cờ số 490 (54m2) đã treo tại cột cờ quốc gia Lũng Cú tại không gian biển đảo trong lòng đồng bào tại “Ngôi nhà chung”

Triển lãm làng dân tộc III, Khu các làng dân tộc.

Hoạt động của cộng đồng các dân tộc hàng ngày tại Làng

Ngày

01/9/2019 - 30/9/2019

- Hoạt động hàng ngày của các dân tộc tại Làng: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Tày, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông , Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer

Không gian các làng dân tộc Tày, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông , Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer, chùa Khmer.

Dịp cuối tuần

 (Thứ Bảy,
Chủ Nhật và các ngày Lễ).

-  Giới thiệu các trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc

- Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu

- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, làm thuốc...

Phạm Hương