Tổ chức các hoạt động tháng 1 “Xuân sum họp”

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 1 được tổ chức từ ngày 01- 31/01/2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm giới thiệu không khí nô nức đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân, đặc trưng các dân tộc, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2019.

Các hoạt động với sự tham gia của gần 100 đồng bào của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Điện Biên), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Khmer (Sóc Trăng) cùng sự tham gia của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Nhà hát Chèo Việt Nam.

Chương trình tháng 1 “Xuân sum họp” với các hoạt động như:

Hoạt động chuyên đề điểm nhấn các hoạt động chuẩn bị đón Tết của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại  “Ngôi nhà chung”

- Làng dân tộc Tày: Giới thiệu nét truyền thống ngày Tết tục gói bánh chưng để dâng cúng ông bà tổ tiên. Với các nguyên liệu truyền thống gần gũi với đời sống của bà con các dân tộc: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang cùng với bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc tạo nên những chiếc bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, màu xanh của lá dong là cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho trái ngon quả ngọt, thịt lợn tượng trưng cho muông thú, gạo nếp là văn minh lúa nước, là gốc rễ. Tất cả để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Trong không khí đầm ấm tỏa ra từ không khi nhộn nhịp, hối hả, bận rộn chuẩn bị cùng với bếp lửa khói bếp, lời hát Then đàn Tính cùng màu áo chàm mang lại một cảm xúc khó quên.

- Làng dân tộc Mông: Đồng bào chuẩn bị mặc những bộ váy áo xúng xính nhiều màu sắc, trẻ con cũng được mặc bộ quần áo mới nhất đon đả đón khách lên chơi nhà, chuẩn bị dán những mảnh vải đỏ lên cửa lên bàn thờ chuẩn bị năm mới. Và điểm nhấn là dán giấy bản trắng vào các công cụ sản xuất đặt cạnh bàn thờ. Khi dán xong gia chủ sẽ cầu khấn xua đuổi đi những bệnh tật, những điều không may mắn và xin cho các nông cụ nghỉ ngơi đến hết ngày mùng 3 Tết.

- Làng dân tộc Thái: Rộn rã trong những âm thanh Tây Bắc khi mùa xuân đến, cùng với sắc đỏ bung nở đồng bào Thái chỉnh trang sắp đặt lại bàn Thờ thổ công, bàn thờ Tổ tiên, chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết, trang trí lại cây vạn vật – đây cũng được coi là vật linh thiêng chứng kiến năm qua bản làng người Thái đã tổ chức Lễ cầu mưa để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia súc đầy chuồng trước khi tiễn năm cũ bà con chỉnh trang lại đặt vào vị trí trung tâm nhất để ra Giêng bà con lại tiếp tục làm lễ cảm tạ trời đất tổ tiên. Mỗi một đồng bào dân tộc Thái đang bận rộn chuẩn bị cho những khâu cuối cùng để đón khách tới chơi cùng đón chào năm mới.

Hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày từ 06 - 20/01/2019 (tức từ 01 - 15/12 Âm lịch)

- Bên trong nhà: Bày trí mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày tết của các dân tộc.
- Bên ngoài: Trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Trang trí tiểu cảnh điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc Tây Bắc (dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú).

Hoạt động cuối tuần “Hội xuân”

- Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Mùa xuân đi hội” của Nhà hát Tuồng Việt Nam
Diễn các tích Tuồng ca ngợi quê hương đất nước, mùa xuân, năm mới do các diễn viên, nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn loại hình nghệ thuật Hát Văn, một trong những loại hình trình diễn độc đáo trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Xuân sum họp” của Nhà hát Chèo Việt Nam
Diễn các tích chèo ca ngợi quê hương đất nước, mùa xuân, năm mới, mừng vui sự sum họp một nhà gắn kết yêu thương do các diễn viên, nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn loại hình nghệ thuật Hát Văn, các bài hát ca khúc mang chất liệu dân gian mừng Đảng, mừng xuân mới.

- Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam... Đan xen vào đó là các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu đinh năm, loại hình kịch Rô băm, các điệu múa rom vông, lâm lêu. Các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, đánh yến, đánh đu, đi cầu kiều...Giới thiệu hoa cải trắng Mộc Châu tại làng Thái, cảnh sắc tại không gian các làng dân tộc, sắc đào mơ mận Tây Bắc sẽ điểm thêm cho cảnh sắc mùa xuân.

Trưng bày ảnh với chủ đề “Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung”: Giới thiệu khoảng 40 bức ảnh giới thiệu các hoạt động lễ hội được bố trí theo các cụm, vùng miền để thấy được những hoạt động cũng như sắc màu văn hóa đã được các cộng đồng tái hiện tại Làng nhất là các lễ hội đón Tết vui Xuân của đồng bào.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 14 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình tổng thể

Thời gian

Nội dung hoạt động

Địa điểm

Ngày 05,06/01/2019  (Thứ Bảy, Chủ Nhật)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Mùa xuân đi trẩy hội” của diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Sân khấu lễ hội làng dân tộc III

Ngày 12,13/01/2019 (Thứ Bảy, Chủ Nhật)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Xuân sum họp” của diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam

Sân khấu lễ hội làng III

Ngày 19/01/2019 (Thứ Bảy) (ngày 14 tháng chạp)

09h00 - 10h00

Giới thiệu các hoạt động chuẩn bị, trang trí, đón Tết và không khí Tết của các dân tộc đang hoạt động tại “Ngôi nhà chung”

Làng dân tộc Tày, Làng dân tộc Mông, Làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I

Từ ngày 06-20/01/2019 điểm nhấn ngày 12,13/01/2019 (Thứ Bảy, Chủ Nhật)

Từ ngày

06 -20/01/2019

Hoạt động trang trí đón Tết theo truyền thống của các dân tộc hoạt động hàng ngày

Không gian các làng dân tộc Tày, Dao, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer.

Hoạt động của cộng đồng dân tộc hàng ngày tại Làng

Cả ngày

Hoạt động trưng bày, triển lãm ảnh với chủ để “Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung”

Không gian sân lễ hội làng III

Ngày

01 - 31/2019

- Hoạt động hàng ngày “Vui Xuân”: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Tày, Dao, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông là điểm nhấn và hoạt động hàng ngày tại các làng dân tộc khác Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai Ê Đê, Khmer. Đặc biệt là các hoạt động của động bào các dân tộc chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.

Không các làng dân tộc Tày, Dao, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông , Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer, chùa Khmer, chùa Pháp Ấn

Dịp cuối tuần

“Hội xuân”

Ngày (05,06; 12,13;19,20;

26,27/01/2019)

(các Thứ Bảy, Chủ Nhật).

 

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc:

* Nhóm các dân tộc phía Bắc: Xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; gà nấu mọ, gà nướng…của dân tộc Khơ Mú; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu…hoa, bánh tráng. Sản vật Mộc Châu, Sơn La.

* Nhóm các dân tộc khác: mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; bánh tét bánh dừa …của dân tộc Khmer, bánh tình yêu của dân tộc Tà Ôi…

- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng; các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao (Dao quần chẹt); hát ay ray và diễn tấu Đinh năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa ra van của dân tộc Khmer.

- Các trò chơi dân gian: ném còn,  đi cà kheo,  bập bênh ...

- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc... của các nghệ nhân dân tộc Tày, Dao, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer.

 - Chương trình du lịch Homestay với tên gọi “Một ngày bản buôn” để du khách trải nghiệm tại nhà Mường, Tày tại không gian Khu các làng dân tộc.

Không các làng dân tộc Tày, Dao, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer, chùa Khmer, chùa Pháp Ấn.

Phạm Hương