Đến “Làng” tham quan, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Tà Ôi
(LVH) - Đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sắc và trải nghiệm văn hóa ẩm thực của đồng bào Tà Ôi đang sinh sống tại đây.
Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngoài tham quan các công trình kiến trúc, cảnh quan của các làng dân tộc du khách còn được giao lưu, tìm hiểu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tham gia các trò chơi dân gian độc đáo, đặc biệt được trải nghiệm trực tiếp tham gia làm các loại bánh, món ăn đặc trưng vừa độc đáo, vừa ngon miệng do chính đồng bào các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại đây hướng dẫn.

Đồng bào Tà Ôi đang hướng dẫn các em học sinh làm bánh A quát
Dưới sự hướng dẫn của đồng bào Tà Ôi, các bạn trẻ tỏ ra rất thích thú khi tham gia làm bánh A quát - bánh tình yêu của đồng bào Tà Ôi. Sở dĩ, ví a quát là chiếc bánh tình yêu của người Tà Ôi là bởi món bánh này không thể thiếu đối với những cô gái trên dãy Trường Sơn hùng vĩ khi về nhà chồng. Mỗi cô gái đều tự tay làm những cặp bánh a quát với tất cả sự cần mẫn, chăm chút cho ngày vui của mình.
Với người Tà Ôi, nếp Cu-char (nếp than) là loại nếp quý nhất và cũng là nguyên liệu duy nhất làm nên món bánh đặc trưng này. Hạt nếp than bắt đầu ngậm sữa thì đen bóng. Hạt nếp khi xay ra cũng có màu đen, đun lên vẫn giữ được màu sắc mà độ dẻo dính, hương thơm thì dịu dàng. Chẳng thế mà người Tà Ôi gọi nếp Cu-char là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của giàng....
Trong quá trình giã nếp, những người phụ nữ cố gắng giã thật đều tay để hạt nếp không gãy vụn. Nếu có hạt gãy vụn thì họ sẽ sàng sảy để chọn lại.

Chiếc bánh A quát tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sắt son của người Tà Ôi.
Để gói bánh a quát, bà con lên rừng chọn những tấm lá đót tươi, không được già vì lá quá già thì dễ rách mà lá non quá thì không tạo khuôn được. Khi gói, lá được quấn tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược hình chóp nón đó và bốc nếp bỏ vào cho đầy.
Bánh a quát được bó thành một cặp, chiếc lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc bánh nhỏ hơn là hiện thân của người con gái. Cũng bởi vậy mà từ nhỏ, các bé gái người Tà Ôi đã được bà, được mẹ hướng dẫn làm bánh a quát
Sau khi được buộc thành từng cặp, đồng bào ngâm bánh trong chậu nước từ 1-2 tiếng rồi mới đem đi luộc để đảm bảo bánh mềm, dẻo. Bánh a quát chín, bóc tách từng lớp lá sẽ hiện ra chiếc bánh có màu đen phớt hồng rất đẹp mắt. Khi đưa lên thưởng thức, bánh có vị bùi bùi, thơm thơm.
Du khách đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, được tham quan các công trình kiến trúc, được trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực của đồng bào đang hoạt động hàng ngày, để rồi khi rời khỏi "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam du khách sẽ vương vấn mãi hương vị tuyệt vời của những món ăn mang đậm màu sắc núi rừng và tình cảm ấm áp của đồng bào nơi đây.
Phạm Hương