Chủ tịch nước gặp mặt nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc tại Làng VHDL các DTVN
(LVH) - Sáng 19/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt 92 đại biểu là các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Về phía Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam có đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban; Đồng chí Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng ban cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Quản lý.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Cộng đồng các dân tộc tham dự buổi gặp mặt
Chủ tịch nước đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều sự kiện văn hóa có ý nghĩa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong đó hội tụ về “Ngôi nhà chung” với những lễ hội độc đáo, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nghi thức được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những lễ hội đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc do chính các chủ thể văn hóa là nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín thực hiện.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các nghệ nhân
Chủ tịch nước khẳng định công tác chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và cải thiện rõ rệt, đặc biệt là các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", càng khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch nước lưu ý, cùng với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, cần chú trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Chú trọng lan tỏa sâu rộng các tấm gương già làng, trưởng bản tiêu biểu trong cộng đồng.

Chủ tịch nước yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác khuyến học để nâng cao tỷ lệ biết chữ phổ thông trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa đến việc dạy và giữ gìn, duy trì sử dụng ngôn ngữ dân tộc, qua đó khẳng định sự tồn tại, hiện hữu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu và các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.
Chủ tịch nước mong muốn già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng; là nhân tố tích cực trong các phong trào của địa phương, tiếp tục vận động đồng bào phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tự lực tự cường, đoàn kết dân tộc, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng. Tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật và một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc; trao truyền các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, thông qua sự kết nối của văn hóa, chúng ta sẽ dễ dàng gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu thực hiện Nghi Lễ báo công, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm Bác tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Phạm Hương (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN)