Tái hiện Lễ hội Bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ tại “Ngôi nhà chung”
(LVH) - Sáng 3/9, tại Sân khấu nổi, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Lễ hội Bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ. Lần đầu tiên Lễ hội được tái hiện tại "Làng" đã mang đến cho du khách bầu không khí sôi động khi thưởng thức những đường đua ngoạn mục, quyết liệt thể hiện tinh thần thượng võ dân tộc của người dân đến từ đất Tổ.
Bơi chải là hoạt động truyền thống của người dân Phú Thọ khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc.
Điều đặc biệt của bơi chải chính là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng sông nước, là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh của nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm đồng thời gửi gắm những khát vọng của cuộc sống.
.JPG) |
Quang cảnh Lễ hội Bơi chải
|
Tham dự Lễ hội có các đồng chí: Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN; Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN; Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch; Đặng Danh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng Tổng cục TDTT. Đến dự còn có các đồng chí đại diện các đơn vị thuộc BQL Làng VHDL các DTVN; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ; phóng viên báo chí, truyền thông và du khách.
 |
Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, các bồi tế và người đại diện của 4 đội chải đang thực hiện nghi lễ
|
Phần Lễ được tái hiện với nghi thức lễ tế 3 vị thần: Đức Thánh Cả, Đức Thánh Bà, và Đức Thánh Hai để kính cáo, xin phép Tam vị đại vương cho mở lễ hội bơi chải được mọi điều thuận lợi, hanh thông, thuận buồm, xuôi gió, người người được bình an, tám tiết được hưởng hưng vinh, khang thịnh.
Lễ vật dâng tế gồm có: Hương, hoa, đăng quả, rượu, xôi, gà, trầu cau, nước….
 |
Đội tế đang thực hiện nghi lễ
|
Đội tế gồm có : Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, các bồi tế và người đại diện của 4 đội chải.
 |
Chủ tế đọc chúc văn
|
Phần tế Lễ được bắt đầu bằng chiêng, trống nổi lên. Chủ tế vào vị trí tế và dâng hương theo nghi thức truyền thống. Sau đó bồi tế chuyển chúc cho chủ tế đọc chúc văn "Nay chúng con xin được mở hội bơi chải, Ngưỡng mong Tam vị Đại Vương, Nãi thần, Nãi thánh phù hộ, độ trì cho Hội chải được hanh thông, người người được bình an, tám tiết được hưng vinh, khang thịnh... Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm, lễ mở tiệc dâng câu chúc mừng Tam vị đại vương".
 |
Các đại biểu tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đội tham gia trước khi bắt đầu cuộc đua
|
Sau khi thực hiện xong nghi thức lễ tế chuyển sang phần hội đua chải được du khách mong đợi nhất
 |
Các đội thi vào vị trí sẵn sàng cho cuộc đấu cam go
|
Tham dự Lễ hội có 4 đội chải của các xã: Bạch Hạc, Sông Lô, Trưng Vương, Phượng Lâu với hơn 120 tay chèo. Các đội thi đấu theo thể thức đấu loại trực tiếp, sau đó chọn 2 đội vào chung kết, chia 2 lượt, tính thời gian bơi chải để xác định thành tích.
 |
Các đội thể hiện những màn đua ngoạn mục, quyết liệt
|
Mỗi đội chải gồm có 27 người, trong đó có 24 tay chải, 1 người gõ mõ làm nhịp, 1 người cầm lái và 1 người tát nước. Với tinh thần thể thao “Đoàn kết, trung thực, cao thượng”, thể hiện quyết tâm “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” và khát vọng chiến thắng, các tay chèo đua tài, đua sức trên “đường đua xanh” dài 2 km trên hồ Đồng Mô trước sự cổ vũ vô tư, nhiệt tình của khán giả, đã cống hiến những đường đua đẹp mắt, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem.
 |

Rất đông du khách đến cổ vũ cho các đội
|
Kết thúc Lễ hội, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho đội chải xã Bạch Hạc; giải nhì cho đội chải xã Phượng Lâu; đồng giải ba cho đội chải của xã Sông Lô và xã Trưng Vương.
 |
Các đại biểu trao giải thưởng cho các đội đạt giải nhất, giải nhì và hai giải ba
|
Lễ hội Bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu tới du khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam những giá trị văn hóa đặc sắc - Nghệ thuật bơi chải, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, mang đậm dấu ấn văn hoá thời đại Hùng Vương, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương