Nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống của người Mông
(LVH) - Thêu, dệt vải lanh là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống hàng ngày và mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Mông huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông nơi đây.

Nghề thêu, dệt thổ cẩm có sự gắn bó mật thiết trong đời sống, sinh hoạt của người Mông. Hầu hết phụ nữ Mông đều giỏi thêu thùa, may vá vì họ được bà, mẹ dạy cho từ khi còn tấm bé, để khi lớn lên có thể tự tạo cho mình những bộ trang phục đẹp nhất.

Mọi công đoạn dệt vải làm nên thành phẩm đều được thực hiện thủ công không qua máy móc nào. Họ tự trồng cây, tách vỏ rồi se sợi, dệt lanh với những dụng cụ thô sơ, đơn giản. Cây lanh sau khi được phơi đủ độ người ta sẽ tiến hành bóc vỏ và tước sợi. Sợi lanh được nối bằng tay, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Sau đó các cuộn lanh này sẽ đem ngâm nước từ 15-20 phút cho sợi mềm và tăng độ dẻo dai rồi mới cho lên guồng quay để bắt đầu công đoạn thu sợi lanh. Sau khi tháo sợi xong, xếp sợi dọc thành các con chỉ và chuyển sang khung dệt.

Khung dệt của người Mông được buộc vào vách nhà hoặc cột nhà, liên kết các bộ phận trong khung dệt gồm có thanh căng, lợi nén, go, trục cuốn vải, chân đạp guốc và thanh ghế ngồi. Trước khi dệt vải phải trải qua các công đoạn dán sợi, lên go, mắc cửi. Dàn sợi là công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian. Tùy theo tấm vải ngắn, dài mà người ta dàn sợi nhiều hay ít. Thông thường một khổ vải lanh có kích thước 35 - 50cm, khổ 35cm sẽ có 216 sợi dọc, khổ 50cm sẽ có 780 sợi dọc.
Khi dệt người thợ ngồi trên ghế bằng ngang khung dệt, sau đó vòng dây căng qua lưng rồi kéo căng sợi dệt. Khi dệt dùng điều khiển bàn guốc để tách nhịp sợi so le, đồng thời tay luồn thoi giữa hai hàng sợi, đá sợi ngang qua lại. Dùng lung tay thoi dập mạnh cho các sợi chỉ khít lại với nhau.

Người Mông thêu hoa văn trên vải lanh nhiều loại hình như: hoa văn trên váy, khăn đội đầu, trên thắt lưng hay mặt địu trẻ em, các loại hình hoa văn này được thể hiện bằng kỹ thuật thêu tay, bằng đắp vải hay vẽ bằng sáp ong. Với kỹ thuật thêu tay, phụ nữ Mông cũng sử dụng những kỹ thuật hết sức giản đơn như thêu lối chéo mũi chữ “x” đan xen hoặc thêu lát các màu tạo thành hoa văn như diềm trang trí tay, cổ hoặc thắt lưng áo,... đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đại diện cho cả một nền văn hóa lâu đời của dân tộc Mông.

Các sản phẩm vải lanh của người Mông rất nhẹ và bền, chủ yếu làm đồ sinh hoạt hàng ngày may túi xách, đệm, gối,... Nếu du khách có dịp đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) hãy ghé vào không gian làng dân tộc Mông để tìm hiểu về nghề thêu, dệt vải lanh của đồng bào và đừng quên mua những món quà kỷ niệm về tặng bạn bè nhé. Chắc chắn những sản phẩm ghi đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông sẽ là món quà tuyệt vời và ý nghĩa nhất đấy!
Phạm Hương