Rija Nagar, lễ hội đạp lửa đầu năm của người Chăm
(LVH) - Sáng ngày 16/02/2014, tại không gian làng Chăm Bình Thuận, đồng bào Chăm đã tổ chức Lễ hội đạp lửa đầu năm mới. Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm vào tháng giêng Chăm lịch, một trong những lễ hội quan trọng nhất và mang đậm tín ngưỡng dân gian của người Chăm.
Lễ hội Rija Nagar hay còn gọi là Lễ hội đạp lửa đầu năm, là một lễ thức do cộng đồng làng (palei) người Chăm thực hiện theo lời hứa cho cha ông mình trước thánh mẫu Po Inư Nưgar, thượng đế “pô Aloăh” và linh hồn tổ tiên nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của dân làng đối với thượng đế, thần linh và trời đất đã phù hộ cho làng (palei) được sức khoẻ bình an làm thoả mãn ước nguyện của những người đã khuất.
Đây cũng là lễ hội ra quân sản xuất đầu năm của người Chăm khi tiếng sấm vang rền. Do vậy, dân gian Chăm có câu: “Khi nghe tiếng sấm Đông Tây, người Chăm chợt nhớ là ngày đầu năm”. Với ý thức mỗi gia đình tộc họ người Chăm trước khi muốn lễ thức gì trong năm đều phải làm lễ hội Rija Nagar. Và Lễ hội đạp lửa ngày hôm nay cũng là minh chứng cho việc chuẩn bị Tết Păng Katê ngày mai của đồng bào Chăm Bình Thuận.
 |
Các lễ vật dâng cúng thần linh
|
Về lễ vật dâng cúng thần linh gồm: 02 con gà, 05 mâm cơm, 03 nải chuốt, 01 quả dừa, ngô rang, trầu cau, rượu, trứng, nến trầm… Cách bày biện lễ vật cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho hình thể con người nhằm để cầu mong sự sinh sôi nảy nở.
 |
Thầy múa lễ phải là người có uy tín trong làng
|
Khi tiếng trống ngân lên, tiếng kèn Saranai réo rắt là lúc buổi lễ bắt đầu với điệu múa khoan thai của ông thầy múa lễ (Kaing). Khi đó, thầy vỗ Maduen với chiếc trống trên tay vừa vỗ vừa hát những bài thánh ca nói lên công trạng của các vị thần, đồng thời mời các ngài về dự lễ.
Những điệu múa lễ nhịp nhàng và uyển chuyển và hùng hồn của ông thầy múa lễ (Kaing) đã nói lên sự quyết tâm và ước nguyện của dân làng hoà cùng âm vang thôi thúc của của điệu trống Giăng, trống Paranưng và giai điệu của tiếng khèn Saranai quyện vào nhau tạo thành một nghi lễ tín ngưỡng dân gian của cộng đồng Chăm.
 |
Điệu múa đạp lửa của thầy múa lễ (Kaing)
|
Đặc biệt nhất của lễ hội là điệu múa đạp lửa của thầy lễ Kaing như thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của cộng đồng, với đôi chân trần nhảy múa đạp tắt ngọn lửa đang cháy còn mang ý nghĩa xua tan cái xấu xa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi múa đạp lửa, đồng bào còn hát múa âm dương, một dạng múa phồn thực của Chăm, gọi là Tamia Klai Kluk.
 |
Múa âm dương của người Chăm mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sức sống mãnh liệt, sự sinh toàn tạo hoá của đồng bào
|
Cho đến nay, lễ hội Rija Nagar vẫn là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng làng palei người Chăm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng mỗi người Chăm trở về với cội nguồn dân tộc. Việc tổ chức Lễ hội đạp lửa đầu năm mới vừa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Chăm nói riêng, đồng thời, tăng cường giao lưu văn hoá các dân tộc nói chung tại "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh trong Lễ hội đạp lửa đầu năm mới người Chăm:

Trước khi làm lễ, dân làng chuẩn bị các lễ vật dâng cúng thần linh

Thầy múa lễ Kaing thực hiện nghi lễ cúng các vị thần linh

Thầy Kaing với đôi chân trần múa đạp lửa


Để múa được điệu âm dương thì cần phải có cả nam và nữ. Bởi theo quan niệm của người Chăm sống phải có âm có dương

Các động tác múa âm dương của người Chăm

Du khách tham dự Lễ hội đạp lửa đầu năm mới của người Chăm Bình Thuận
Nguyễn Hoa - Nguyễn Bình