Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

(LVH) - Ngày 14/4/2014, tại Quần thể chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên đồng bào Khmer đã tổ chức Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Mừng năm mới) trong không khí trang trọng, linh thiêng. Qua đó, giới thiệu du khách thăm quan nét đặc sắc trong phong tục, tín ngưỡng Phật Giáo của đồng bào Khmer ở Nam Bộ.

Cùng với Tết cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer vẫn còn lưu giữ những phong tục lễ, Tết rất độc đáo. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là “Mừng năm mới”. Ngoài ý nghĩa năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn, còn có ý nghĩa đặc biệt là dịp để bà con Phật tử thể hiện tấm lòng kính Phật với một đức tin bất di bất dịch, Đức Phật từ bi là trên hết, đồng thời răn dạy con người về lòng hiếu thảo, sự kính trọng và biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Theo đó, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 14 - 16/4/2014) tại Quần thể chùa Khmer, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam và không khí đón Tết diễn ra trang trọng với sự tham dự của đồng bào Khmer là các Phật tử của Phật giáo Nam Tông cùng với đông đảo du khách thập phương.

 

Các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn và chúc phúc cho các Phật tử

Ngày thứ nhất (Chool sangkran), Phật tử làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Từ sáng sớm, Phật tử làm cơm dâng lên cho sư, sãi ở chùa. Đáp lại, trước khi thọ trai, các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra vật thực, những người mang vật thực cung tiến cho chùa, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói và sau khi thụ hưởng, các sư sãi làm lễ chúc phúc cho Phật tử. 

 

Lễ rước Đại lịch và Tứ đại Thiên vương

Buổi sáng, đúng giờ tốt, Phật tử mang theo lễ vật: nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước Đại lịch và Tứ đại Thiên Vương. Đồ lễ đặt trong khay sơn son thếp vàng đặt trang trọng lên đầu Phật tử, Lễ rước Đại lịch tiến hành dưới sự hướng dẫn của hai vị Acha, Phật tử xếp hàng Nhiễu Phật ba vòng quanh chính điện, sau đó Phật tử làm lễ bái Tam Bảo cùng các Chư Tăng tụng kinh Cầu an mừng năm mới trong Chánh điện chùa Khmer.

Phật tử làm lễ bái Tam Bảo cùng các Chư Tăng tụng kinh Cầu an mừng năm mớitrong Chánh điện chùa Khmer

Lễ đắp núi cát được tổ chức trong buổi sáng, Phật tử lấy cát được đưa đến sân chùa và được làm sạch trước khi dâng cho các vị sư, theo chỉ dẫn của vị Acha, Phật tử đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và núi thứ chín ở trung tâm chánh điện, biểu tượng cho trung tâm của vũ trụ và tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu may, cầu phúc của con người.

 

Núi cát được trang trí bằng dây cờ, cành bồ đề, hương, nến, dây vải trắng và vẩy nước thơm

Núi cát được trang trí bằng dây cờ, cành bồ đề, hương, nến, dây vải trắng và vẩy nước thơm. Từ núi cát - trung tâm của vũ trụ các vị Acha buộc sợi chỉ trắng nối tất cả các ngọn núi cát với nhau tạo một vòng tròn gọi là kết nối vũ trụ. Tiếp đó là phần lễ quy y cho núi và đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể cho núi.

Theo phong tục, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày tiếp theo (15 và 16/4) với những nghi lễ như: Nghi thức tắm Phật, Đặt bát Chư Tăng, Chư Tăng thọ trai... Đây là cơ hội quý báu cho những du khách chưa có dịp được đến Nam Bộ, có thể tìm hiểu phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào Khmer ngay tại Thủ đô, qua đó, giúp cho du khách hiểu thêm đời sống của đồng bào các dân tộc miền sông nước, đồng thời chung tay góp phần gìn giữ các giá trị tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương