Đồng bào Raglai dâng lễ và trao y trang tại Tháp Chăm

(LVH) - Về tham gia các hoạt động tháng 6 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Raglai mong muốn giới thiệu một phần nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình qua chương trình “Giấc mơ Chapi” và đặc biệt tái hiện nghi lễ Bỏ mả. Bên cạnh đó, đồng bào Raglai còn dâng lễ và trao y trang tại Tháp Chăm.

Không còn ai nhớ rõ mối quan hệ giữa người Chăm và người Raglai có từ bao giờ và cũng không ai biết được phong tục cúng lễ Katê giữa người Chăm và người Raglai trên đền tháp được bắt nguồn từ đâu? Nhưng cứ đến mùa Katê thì người Raglai và người Chăm lại gặp gỡ nhau trong không khí ngày hội thiêng liêng của dân tộc thể hiện mối quan hệ lâu đời trong lịch sử phát triển của hai tộc người.

 

Đoàn người Raglai dâng lễ tại Tháp Chăm

Thành ngữ của người Chăm có câu nói: “Chăm sa-ai Raglai adei”. Nghĩa là người Chăm là người chị cả còn người Raglai là con gái út trong gia đình. Theo quy định của luật tục, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa người Raglai được giao vai trò đảm nhiệm việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh.

 

 Đồng bào thực hiện nghi lễ trước khi vào Tháp chính

Đoàn người Raglai ngoài mang chiếc gùi đựng y trang để mặc cho tượng thần, họ mang theo trái cây, bánh ngọt, rượu, trứng, trầu cau đi cúng lễ và không thể thiếu một đội Mã la để tấu lên những bản nhạc dâng cho thần linh.

 

 Đồng bào Raglai thực hiện nghi thức 

 

 

 Đội Mã la tấu lên những bản nhạc rộn ràng tại sân Tháp Chăm

Mặc dù không phải là mùa lễ hội Katê, nhưng đồng bào Raglai mỗi lần về sinh hoạt tại “Ngôi nhà chung” vẫn không quên dâng lễ vật và trao y trang tại Tháp Chăm. Đây là dịp thắt chặt thêm tình cảm anh em Chăm và Raglai ngày càng gắn kết sâu đậm để cho mối quan hệ Chăm và Raglai mãi mãi trường tồn trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương